Có tình trạng ngân hàng tư vấn người dân vay tiền mua bảo hiểm để hưởng lợi lớn

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 18/03/2024 11:33 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

VTV.vn - Đại biểu Quốc hội nêu lên con số tổng số doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại chỉ tính đến 31/12/2021 lên tới khoảng 15.000 tỷ đồng.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/3, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, kết quả thanh tra đợt 1 với 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng của Bộ Tài chính công bố tháng 7/2023, cho thấy trong tổng số doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại chỉ tính đến 31/12/2021 khoảng 15.000 tỷ đồng. Thế nhưng có công ty có đến 70% khách hàng mua bảo hiểm hủy sau đợt đóng phí lần đầu, thường nộp phí lần đầu là một năm hoặc hai năm.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá về vấn đề này và xử lý như thế nào với trách nhiệm của các tổ chức liên quan qua kết quả thanh tra này? Có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả thiệt hại lớn cho số đông khách hàng đã hủy ngang hợp đồng.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp để đảm bảo trong tương lai các doanh nghiệp bảo hiểm không có những sai phạm tương tự, nhất là trong bối cảnh hành vi cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Có tình trạng ngân hàng tư vấn người dân vay tiền mua bảo hiểm để hưởng lợi lớn - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đặt câu hỏi chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước đây có tình trạng ngân hàng thương mại, nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền lại hướng dẫn mua bảo hiểm. Ngân hàng, người tư vấn được hưởng lợi rất lớn, chiếm đến 37% vào năm 2023 còn năm 2022 chiếm đến 48% tổng doanh thu.

Do vậy, khi doanh nghiệp vay được tiền đã tiến hành hủy ngang và không đóng tiếp cho các năm sau, chấp nhận mất phí. Vì vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngân hàng để xử lý. Trong đó cần ghi âm đầy đủ trong quá trình tư vấn để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Điều 15, Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó khoản 5 quy định rõ: Các tổ chức tín dụng, người quản lý, điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Theo đó, ngân hàng sẽ không được phép chỉ giải ngân nếu khách hàng mua bảo hiểm.

Chưa rõ vai trò của lãnh đạo ngân hàng trong liên kết bán bảo hiểm

Cũng liên quan đến việc bán bảo hiểm thông qua ngân hàng, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm này.

Về bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện 19 công ty bảo hiểm và chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước và 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài.

"Việc hoạt động chủ yếu do đại lý và nhân viên ở trong nước thực hiện, khi liên kết bán qua ngân hàng có thể do hành vi của nhân viên ngân hàng. Cũng chưa xác định rõ vai trò của các Chủ tịch, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, cũng có thể do bảo hiểm liên kết để hưởng chi phí dịch vụ" – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng quy trình thanh tra kiểm tra để đảm bảo đúng quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước