Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi thế nào?
Theo Luật, Ngân hàng vẫn tiếp tục tham gia làm đại lý bảo hiểm nhưng không được phép gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Điều 15, Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó khoản 5 quy định rõ: Các tổ chức tín dụng, người quản lý, điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Theo đó, ngân hàng sẽ không được phép chỉ giải ngân nếu khách hàng mua bảo hiểm. Đây là tình trạng khá phổ biến thời gian qua. Theo các chuyên gia, đây là điểm rất tiến bộ so với với luật cũ.
TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng ta ghi nhận hành vi nghiêm cấm các tổ chức tín dụng trong trường hợp bán kèm bảo hiểm, nếu như đó không phải bảo hiểm bắt buộc. Đó là một sự tiến bộ rất lớn so với luật các tổ chức tín dụng cũ.
Đồng thời, trong luật các tổ chức tín dụng hiện nay có sự điều chỉnh, chia thành từng cấp độ. Như đề cập các tổ chức tín dụng khác muốn tham gia hoạt động bảo hiểm cũng có thể tham gia được với một số điều kiện nhất định. Và đồng thời có quy định về thẩm quyền của Bộ Tài chính, vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất định với hoạt động này".
Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm, nếu như năm 2016, tỷ lệ bảo hiểm phân phối qua kênh ngân hàng mới là 5% thì đến năm 2022, thời điểm trước khi việc bán bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng gặp thách thức, doanh số khai thác mới qua kênh ngân hàng đã lên tới 46%. Trong đó, có không ít trường hợp, giải ngân vốn gắn liền với hợp đồng bảo hiểm đã bộc lộ nhiều bất cập trong năm 2023.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng - Ảnh: Thanh Tân - TTXVN
Cần có các quy định cụ thể hơn
Theo các chuyên gia, thị trường đang ghi nhận có tới 22 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang có hợp đồng bảo hiểm độc quyền với một công ty bảo hiểm. Thời gian khá dài, bình quân khoảng 15 - 16 năm.
Ông Trần Nguyên Đán - Chuyên gia Kinh tế: "Ở mỗi ngân hàng muốn triển khai bancassurance (mô hình liên kết kinh doanh bảo hiểm giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm) thì ít nhất phải có từ hai thương hiệu bảo hiểm trở lên để cho người dân được quyền lựa chọn. Đó là một việc làm cần thiết, cuối cùng là xử phạt thật nặng bởi vì nguồn thu từ bảo hiểm hiện nay rất lớn với các ngân hàng".
Các chuyên gia kỳ vọng luật các tổ chức tín dụng sửa đổi đã xây dựng nền móng. Việc hoàn thiện, đưa luật vào thực tiễn sẽ phụ thuộc nhiều vào các nghị định và thông tư hướng dẫn.
Như tại Điều 113, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Việc điều chỉnh hoạt động bancassurance sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào các văn bản tiếp theo của ngành ngân hàng.
TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm: "Luật Các tổ chức tín dụng vừa rồi mới nêu được một số vấn đề, tuy nhiên chưa tạo ra khuôn khổ đầy đủ để bảo vệ quyền lợi người tham gia. Ví dụ trong trường hợp chúng ta quy định cấm như vậy, nhưng trong trường hợp này ai thanh tra, ai giám sát nó? Điều 207 Các tổ chức tín dụng sửa đổi bổ sung nói rằng Bộ Tài chính chỉ được kiểm tra, giám sát chứ không được thanh tra. Nên tôi nghĩ rằng, cần có một quy định cụ thể hơn".
Như vậy, theo các chuyên gia, cần có các quy định cụ thể hơn và các mức độ xử phạt đủ nặng để mang tính răn đe, tránh tình trạng ngân hàng bán bảo hiểm kèm theo như một điều kiện cần để giải ngân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!