Công an, viện kiểm sát và tòa án họp với nhau có đảm bảo tính độc lập xét xử?

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 20/03/2023 15:01 GMT+7

đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (ĐBQH tỉnh Khánh Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đặt câu hỏi chất vấn

VTV.vn - Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, với các vụ án lớn, các cơ quan tố tụng tiến hành họp nhưng không ảnh hưởng tính độc lập của tòa án.

Vì sao các cơ quan tố tụng họp với nhau?

Sáng 20/3, chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (ĐBQH tỉnh Khánh Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) có hỏi về việc tại sao có trường hợp 3 ngành: cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án họp với nhau? Việc họp như vậy có đảm bảo tính độc lập xét xử của Tòa án, của thẩm phán, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo không?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời câu hỏi khẳng định, đối với các vụ án lớn, phức tạp, các cơ quan tố tụng tiến hành họp nhưng không ảnh hưởng tính độc lập của tòa án.

"Họp là để bàn giao tài liệu, thống nhất lộ trình xét xử cho hợp lý, chứ không phải họp thống nhất về tội danh hay mức phạt, mức án. Tất cả các vụ án lớn đều phải phối hợp với nhau từ công an, viện kiểm sát và tòa án họp bàn với nhau là cần thiết để bàn giao hồ sơ, tổ chức phiên tòa xét xử cho đúng người, đúng pháp luật, không bàn án tù bao nhiêu năm hay phải thu cái gì. Việc đó không ảnh hưởng đến độc lập tư pháp" – ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Công an, viện kiểm sát và tòa án họp với nhau có đảm bảo tính độc lập xét xử? - Ảnh 1.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết lý do vì sao có tình trạng người dân không muốn khởi kiện ra tòa và đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp, kiến nghị khắc phục.

Nói về việc này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, kiện hay không kiện là quyền lựa chọn của người dân: "Người dân có thể gửi đơn kiện cho đơn vị hành chính cấp trên để xử lý sai sót hành chính. Còn nếu người dân gửi đơn kiện ra tòa thì tòa làm hết trách nhiệm. Chúng tôi tôn trọng quyền lựa chọn của người dân".

Về kiện tụng liên quan về đất đai, Chánh án TANDTC đề nghị áp dụng cơ chế hiện nay. Theo đó, người dân có thể để chính quyền giải quyết nhanh. Trên thực tế, người dân kiện rất nhiều vụ việc về hành chính, đất đai. Sau khi chính quyền giải quyết không được thì người dân vẫn kiện ra tòa.

Số lượng án lệ ở Việt Nam còn khiêm tốn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho biết, số án lệ so với các vụ án hiện nay là quá ít ỏi (hiện có 63 án lệ), chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh xã hội phát triển, hội nhập, số hóa phát sinh nhiều tranh chấp và tình tiết mới, cho phép giải quyết các vụ việc chưa được các quy định của pháp luật điều chỉnh…

Đại biểu đề nghị vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nêu rõ có những giải pháp gì để phát triển án lệ trong thời gian tới làm cơ sở pháp luật giải quyết các vụ việc tương tự.

Công an, viện kiểm sát và tòa án họp với nhau có đảm bảo tính độc lập xét xử? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi từ điểm cầu tỉnh Hải Dương

Cũng về án lệ, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) đặt ra vấn đề có nên xây dựng nhiều án lệ để áp dụng hay chỉ cần một số lượng vừa phải để áp dụng.

Liên quan đến vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, một trong những nội dung cải cách tư pháp từ nhiệm kì XIV là Quốc hội cho phép Tòa án phát triển án lệ. Lịch sử phát triển án lệ trên thế giới đã có 100 năm, cả thế giới đều cần án lệ. Trong khi đó Việt Nam mới 4 năm phát triển án lệ.

Lý giải vì sao cần có án lệ, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất không thể bao hàm hết diễn biến cuộc sống. Án lệ được xem là nguồn bổ sung cho giải thích pháp luật và thực tiễn nếu pháp luật chưa đề cập đến, tạo chuẩn mực pháp lý cho các cơ quan áp dụng. Án lệ chỉ là 1 chi tiết của vụ án mà không phải toàn bộ vụ án.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, Việt Nam tuy số lượng án lệ ít nhưng có một số án lệ được thế giới đánh giá cao như việc vũ khí nguy hiểm tấn công vào vùng nguy hiểm được xem là hành vi của tội giết người, không phải là tội cố ý gây thương tích.

"Dùng dao đâm đâm vào ngực, còn 1 ly nữa đến tim nhưng cấp cứu kịp và nạn nhân sống. Việc này nằm ngoài ý muốn chủ quan của người đâm nên phải xem là tội giết người" – Chánh án Nguyễn Hòa Bình lấy ví dụ.

Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong phát triển án lệ nên phải thận trọng, quy trình làm án lệ phải chặt chẽ. Điều này là rất cần thiết đối với thực tiễn ở Việt Nam. Vì quá chặt chẽ nên số lượng án lệ trong thời gian vừa qua khá khiêm tốn. Tòa án nhân dân tối cao đang từng bước sửa quy trình phát triển án lệ và khuyến khích thẩm phán giới thiệu bản án đẩy nhanh phát triển án lệ. Nếu thẩm phán viết bán án thành án lệ có thể được nâng lương, khen thưởng và trở thành chỉ tiêu thi đua. Bắt đầu từ năm nay, tất cả tòa án tỉnh, thành phố trong năm 2023 phải có bản án đạt chuẩn mực pháp lý mới trở thành án lệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước