COP 26 - Nỗ lực và kỳ vọng thực hiện của Việt Nam để giảm phát thải nhà kính

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 30/10/2021 18:39 GMT+7

VTV.vn - Sáu năm sau Thỏa thuận Paris, Hội nghị COP 26 sẽ diễn ra vào ngày 31/10 tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Đây được coi là cơ hội cuối cùng để toàn cầu đạt được mục tiêu không để nhiệt độ thế giới tăng thêm từ 1,5°C đến 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), các nước, nhất là nhóm các nước phát triển sẽ đưa ra các cam kết và thời điểm cắt giảm phát thải khí nhà kính (được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định).

Hội nghị COP26 lại là cơ hội cuối cùng để thế giới hành động để giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu vì Nghị định thư Kyoto được gia hạn vừa hết hiệu lực vào năm 2020. Năm 2021 cũng là thời điểm các quốc gia tham gia công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc gửi bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định cuối cùng lên Ban Thư ký. Vì vậy, nếu tại COP26, những con số cụ thể về lượng giảm khí thải toàn cầu của mỗi nước không được nêu ra và cam kết thực hiện, mục tiêu giảm 2°C vào cuối thế kỷ 21 này rất khó có thể đạt được.

Diễn ra trong bối cảnh bị trì hoãn một năm do đại dịch COVID-19, COP26 còn mang theo áp lực làm sao để những hoạt động chống biến đổi đạt được các thỏa thuận khi khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, nhiều quốc gia thấy miễn cưỡng nếu phải ngừng dùng than đá.

Bốn mục tiêu được theo đuổi tại COP26 là Bảo vệ mục tiêu phát thải toàn cầu bằng 0 bằng cách giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1,5°C vào giữa thế kỷ này; thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên; các nước phát triển phải thực hiện lời hứa huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm; cùng nhau hoàn thiện các quy tắc chi tiết làm cho Thỏa thuận Paris để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

COP 26 - Nỗ lực và kỳ vọng thực hiện của Việt Nam để giảm phát thải nhà kính - Ảnh 1.

Rừng phòng hộ phi lao trơ gốc, có thể bị đổ ngã bất cứ lúc nào do xâm thực biển ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)

Bốn mục tiêu của COP26 lần này chỉ có thể đạt được nếu có sự hợp tác của các quốc gia. Riêng với Việt Nam, kể từ COP21, liên tục trong 5 năm qua nước ta đã cập nhật và hoàn thiện bản cam kết thực hiện của mình. Đó chính là Bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam được cập nhật năm 2020.

Bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) được cập nhật lần cuối trước khi gửi Ban Thư ký Công ước vào năm 2020. NDC lấy năm 2014 làm cơ sở tính toán giá trị phát thải khí nhà kính, từ đó Việt Nam đã điều chỉnh cam kết:

- Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực quốc gia;

- Giảm 27% lượng phát thải khí nhà kính nếu như có sự hỗ trợ quốc tế.

Bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) gồm 2 hợp phần chính:

- Hợp phần giảm nhẹ khí phát thải nhà kính;

- Hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại cả 2 hợp phần này, trong 5 năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách từ nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị định của Chính phủ cho đến các luật liên quan, những chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch hành động đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trước khi chính thức thực hiện bản cam kết của mình, Việt Nam đã nỗ lực và xây dựng một nền tảng tốt để có thể sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán tại COP26.

Lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam vào năm 2014, thời điểm chưa tham gia thỏa thuận Paris, so với năm 2010 giảm khoảng 1,46 triệu tấn CO2tđ. Trong khi đó, trong giai đoạn 2015 - 2019, nước ta đã giảm phát thải khoảng 17 lần. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu vào năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm thêm 40 lần nữa, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ. Nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài, con số giảm phát thải có thể là 250,8 triệu tấn CO2tđ. Những cam kết này là khả thi, không phải quá tham vọng.

COP26 và thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu COP26 và thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

VTV.vn - Đây không chỉ là một nhiệm vụ to lớn hay một hội nghị cấp cao toàn cầu, hầu hết các chuyên gia cho rằng COP26 có tính cấp thiết đặc biệt nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước