Cử tri phản ánh: "Tiền học thêm của con là khoản chi lớn nhất của gia đình"

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 20/11/2023 12:20 GMT+7

VTV.vn - Cho rằng việc học thêm đã bị biến tướng, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Lớp học thêm "găm bài", gợi mở đề kiểm tra cần phải xử lý nghiêm

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 20/11, đại biểu Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri về thực trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Đại biểu cho rằng, việc học thêm, dạy thêm đã bị biến tướng, trở thành vấn nạn với những hệ lụy đáng lo ngại, ảnh hưởng hình ảnh của các nhà giáo chân chính.

Cử tri phản ánh: Tiền học thêm của con là khoản chi lớn nhất của gia đình - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) phát biểu.

"Những lớp học thêm bên ngoài nhà trường do giáo viên lách luật mở lớp, gợi ý địa chỉ cho học sinh, mở cửa đón học sinh chính khóa. Bài học trên lớp lửng lơ nửa chừng sẽ được tiếp nối ở các lớp học thêm, bài kiểm tra đúng dạng, đúng đề chỉ có ở lớp học thêm, điểm số chênh lệch giữa học sinh đi học và không học thêm khiến cho học sinh bức xúc, cùng với đó là tiền bạc thời gian, công sức đưa đón khiến phụ huynh quay cuồng chạy theo lịch học thêm. Có cử tri phản ánh: "Tiền học thêm của con là khoản chi lớn nhất của gia đình, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở" - đại biểu Huy cho biết.

Cho rằng dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho giáo viên, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng. Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo? Để những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh có nguyện vọng chính đáng bổ trợ và nâng cao năng lực được hỗ trợ điều kiện tiếp cận chất lượng giáo dục uy tín. Đại biểu cũng đề nghị, đối với những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", vì gợi mở đề kiểm tra phải bị xử lý một cách nghiêm khắc và quyết liệt.

Để trả lại sự trong sạch cho môi trường dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng và khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Bên cạnh đó, cần quan tâm siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử và cởi trói bớt áp lực học hành. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Có người dân mong muốn "quét sạch dạy thêm, học thêm toàn cõi Việt Nam"

Giải trình về vấn đề dạy thêm và học thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian qua đã có 18 kiến nghị liên quan đến dạy thêm và học thêm và đây là vấn đề lớn, Bộ đã trả lời vấn đề này. Bộ trưởng chia sẻ có ý kiến người dân còn bày tỏ mong muốn "Bộ trưởng quét sạch dạy thêm, học thêm toàn cõi Việt Nam".

Bộ trưởng khẳng định, dạy thêm, học thêm và việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học và rất đa dạng.

Cử tri phản ánh: Tiền học thêm của con là khoản chi lớn nhất của gia đình - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản quy định, đặc biệt đã ban hành Thông tư 17 quy định kiểm soát dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường, quy định những vấn đề trong đạo đức của nhà giáo, trong quy tắc ứng xử học đường, văn hóa học đường…; đầy đủ các quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường. Tuy nhiên, đối với vấn đề ngoài nhà trường, hiện Bộ còn thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, điều tiết giám sát, xử lý vấn đề này.

Bộ trưởng nêu rõ, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ đã đề nghị bổ sung đề nghị việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên việc này chưa được chấp thuận. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Huy là cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý để xử lý bên ngoài trường học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn, đối với các vấn đề bên ngoài trường học, chính quyền địa phương trên địa bản của mình phối hợp với phụ huynh, Bộ GDĐT để kiểm soát vấn đề này, nếu không thì sẽ rất khó kiểm soát các địa bàn trong cả nước.

Với câu chuyện giáo viên bớt kiến thức để đi dạy thêm của đại biểu Huy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị đại biểu hỏi giúp đây là ai, ở đâu, trường nào để Bộ GDĐT phối hợp với tỉnh Thái Bình xử lý đến nơi đến chốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước