Bộ trưởng GD&ĐT nói gì về tình trạng ép học thêm trực tuyến, SGK thiếu tính giáo dục?

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 11/11/2021 11:35 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

VTV.vn - Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm như chất lượng sách giáo khoa, tình trạng học thêm trực tuyến, "văn mẫu"... đã được đặt ra tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 11/11.

Nâng cao chất lượng sách giáo khoa, chấm dứt việc dạy theo "văn mẫu"

Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) nêu vấn đề: "Các bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên, Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục" và đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đặt câu hỏi về môn học tích hợp đã được triển khai ở THCS đang có 3 giáo viên cùng dạy.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, khi có các ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT và hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các tác giả và tiến hành ngay việc điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay cho học sinh. Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh quy trình để chất lượng sách giáo khoa ngày cao hơn.

Về việc dạy học tích hợp, Bộ trưởng cho biết, môn này đang dạy ở lớp 6. Bộ đã hướng dẫn 3 phân môn khác nhau dạy học theo logic của nội dung trong chương trình. Đơn vị nào sắp xếp logic thì thuận lợi, ngược lại sẽ gặp lúng túng.

Bộ GD&ĐT đã triển khai, tập huấn cho giáo viên về dạy học tích hợp. Bộ trưởng cũng nhắc tới vai trò của lãnh đạo cơ quan quản lý cơ sở giáo dục và lãnh các nhà trường.

Bộ trưởng GD&ĐT nói gì về tình trạng ép học thêm trực tuyến, SGK thiếu tính giáo dục? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Nàng Xô Vi chất vấn. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) và đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cũng chất vấn Bộ trưởng về giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dạy và học theo hình thức đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Cần phải chấm dứt, ngăn chặn việc dạy theo 'văn mẫu'. Đấy là việc giáo viên soạn những cái bài văn mẫu rồi cho học sinh học thuộc. Điều đó rất tai hại cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo những cảm xúc và những tình cảm chân thực, chân thành của học sinh".

Bộ trưởng khẳng định, ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện... để giải quyết vấn đề này.

Học thêm trực tuyến giữa dịch bệnh rất đáng lên án

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chỉ ra thực trạng dạy thêm và học thêm trực tuyến thời gian qua, thậm chí có trường hợp học sinh bị ép học thêm trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong điều kiện bình thường đã cần phải ngăn chặn thì trong học thêm trực tuyến giữa dịch bệnh rất đáng lên án.

"Thông tư 09 của Bộ Giáo dục ban hành quy định về dạy và học trực tuyến trong đó quy định số giờ được dạy cho các các lớp. Chúng tôi sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và chúng ta cần phải tích cực ngăn chặn, xử lý nghiêm việc này" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng GD&ĐT nói gì về tình trạng ép học thêm trực tuyến, SGK thiếu tính giáo dục? - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Cũng liên quan đến việc học trực tuyến, Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đặt câu hỏi: Khi dạy và học trực tuyến, việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên có nhiều khó khăn, thậm chí có biểu hiện xem nhẹ. Bộ Giáo dục Đào tạo có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên, nhất là trong tình huống dịch bệnh còn có thể phức tạp, kéo dài?

Tư lệnh ngành giáo dục cho biết, việc học trực tuyến khó có thể thay thế cho học trực tiếp. Vì vậy, ngoài những kiến thức đã được trang bị, các em vẫn cần nhiều hơn nữa kỹ năng và cần có cả trách nhiệm của cha mẹ để các em quay trở lại trường học.

Nếu dịch bệnh còn kéo dài, các nhóm và đơn vị vùng miền tiếp tục dạy học trực tuyến, các địa phương cần chủ động, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các bài giảng trên truyền hình sẽ cần phải được tiếp tục.

Đối với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phải rà soát làm sao để thực hiện theo đúng thông tư quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung chương trình giảng dạy. Bộ GD&ĐT cũng đang xem xét vấn đề hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe của học sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước