Cử tri và Nhân dân băn khoăn về tình trạng thất nghiệp, lừa đảo, thiếu trường lớp

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 22/05/2023 11:43 GMT+7

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày bản Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

VTV.vn - Bên cạnh kết quả đã đạt được, cử tri và Nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu việc làm, giảm thu nhập; buôn bán hàng giả, hàng lậu; tình hình vi phạm pháp luật.

Cử tri và Nhân dân tin tưởng vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng

Sáng 22/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày bản Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế không thể đảo ngược, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Đã làm rõ nhiều vụ việc lớn, phức tạp, kịp thời xử lý đồng bộ vừa bảo đảm tính nghiêm minh, vừa có tính nhân văn sâu sắc.

Cử tri và Nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gần đây nhất là quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cuộc tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội ngày 13/5/2023.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã khẩn trương hơn trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Công ty AIC, sai phạm trong phát hành trái phiếu của một số tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh… Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới...

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện khá hiệu quả các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là nền tảng quan trọng để duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Cử tri và Nhân dân băn khoăn về tình trạng thất nghiệp, lừa đảo, thiếu trường lớp - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao các chủ trương, chính sách mới ban hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, như quyết định giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023; việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Giáo dục trong việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học…

Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đồng tình về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; biện pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đồng tình biện pháp đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, giúp cho tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022…

Băn khoăn về tình trạng thiếu việc làm, doanh nghiệp khó khăn

Bên cạnh đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, còn có một số vấn đề cử tri và Nhân dân băn khoăn, quan tâm, lo lắng như: tình hình xung đột Nga - Ukraine kéo dài; hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu…

Ở trong nước, áp lực gia tăng lạm phát; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; tình trạng tham nhũng, tiêu cực có tính hệ thống trong một số lĩnh vực như: kiểm định phương tiện giao thông, các công ty đòi nợ thuê… gây tâm trạng bất an và hoang mang trong nhân dân.

Cử tri và Nhân dân băn khoăn, quan tâm, lo lắng về các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản; tình trạng người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm thu nhập gia tăng, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân do suy thoái kinh tế toàn cầu; hiện tượng người lao động rút bảo hiểm một lần; tình trạng mất an toàn thực phẩm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu; tình hình vi phạm pháp luật có nhiều diễn biến phức tạp... đã tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội.

Sức ép về lạm phát cao, không ổn định; một số địa phương có mức tăng trưởng âm trong Quý I năm 2023; số lượng doanh nghiệp phá sản còn cao; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường vốn và tín dụng, vẫn phải vay với lãi suất cao, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng; giá nguyên vật liệu, giá dầu, khí vẫn ở mức cao; vấn đề an ninh lương thực, an ninh thông tin tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực.

Cử tri và Nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, như ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, gây khó khăn cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Lo lắng về tình trạng các vụ án ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp và mức độ nghiêm trọng, xâm nhập cả vào trường học; một số mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các siêu thị, chợ và các điểm buôn bán nhỏ lẻ, tự phát. Cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống tăng cao.

Cử tri và Nhân dân cũng lo lắng về tình trạng tội phạm lừa đảo ở nhiều lĩnh vực, như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố người nước ngoài sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen; giả danh cơ quan nhà nước (như tòa án, viện kiểm sát, công an...), hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ công (như ngân hàng, bảo hiểm, nhà mạng...) để lừa đảo; tình trạng tổ chức cá độ trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn trong nhân dân; sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, phát tán hình ảnh, phát ngôn thiếu văn hóa, nói xấu, xuyên tạc không đúng quy định..., gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội.

Cần bảo vệ quyền lợi của người dân khi ký hợp đồng BĐS, bảo hiểm

Về kiến nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết 5 nội dung cụ thể sau:

(1) Kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của Nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, người lao động mất việc, giãn việc ở các khu công nghiệp; có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, bảo hiểm. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm... Những hợp đồng này được in sẵn, đã được cơ quan có trách nhiệm thẩm định, vì tin tưởng nên người dân không đọc kỹ hoặc đọc cũng không hiểu rõ, nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân.

(2) Kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Những nội dung không tiếp thu được, cơ quan soạn thảo có phản hồi lại để cơ quan phản biện được rõ vì những luật này có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi của người dân.

(3) Kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Đó cũng là biểu hiện tiêu cực.

"Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, mọi thứ tốt lên, chứ không thể đổ lỗi vì sợ, không dám làm" – ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

(4) Cùng với việc đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế, kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Nhiều cử tri và Nhân dân mong muốn có được chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc.

(5) Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19 và các bệnh dịch khác; bảo vệ sức khỏe của người dân, an toàn để phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết, thông báo kết quả giải quyết đến Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để thông tin đến các tổ chức thành viên, cử tri, Nhân dân biết, giám sát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước