Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Cho rằng, tình hình kinh tế, xã hội trong 9 tháng đầu năm đã đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khẳng định những nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội, các đại biểu đề nghị năm 2023, cần có các giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong đó có việc phân bổ vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Mặc dù chưa giải ngân được của năm 2021-2022 nhiều còn rất thấp nhưng bà Đỗ Thị Lan - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị có giải pháp và có mức phân bổ, ngân sách phù hợp với 5 năm vì chúng ta chỉ còn có 3 năm. Nếu năm 2023 mà không phân bổ ở mức cao cùng với giải pháp thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của cả 5 năm.
Nêu lên thực trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, nhiều đại biểu đề nghị quan tâm đến chế độ chính sách cho các đối tượng này trong đó có việc sớm tăng mức lương.
Ông Nguyễn Huy Thái - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nêu vấn đề vì sao trong gần 2 năm rưỡi vừa qua có 39.552 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, bình quân mỗi năm có khoảng 15.500 người nghỉ việc trong đó đa phần là viên chức trong ngành giáo dục (16.400 người). Theo ông Thái, vấn đề này cần được phân tích và có giải pháp phù hợp. Đó cũng là vấn đề xã hội cần được Chính phủ và Quốc hội quan tâm
Còn theo bà Lê Thị Thanh Lan - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cán bộ công chức, việc chức thời gian qua rất khó khăn nên bà đề xuất có lộ trình nâng lương và tăng sớm hơn, có thể từ 1/1/2023.
Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!