Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày, cho biết: Tại thời điểm cuối năm 2009, doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số để triển khai công nghệ 3G, trong khi đó doanh nghiệp cần 7-10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư.
Vì vậy, việc đấu giá tần số không được áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo.
Đến tháng 12/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá băng tần 2600 MHz theo nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông để triển khai mạng thông tin di động 4G.
Trong quá trình triển khai Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 1/7/2017), Bộ TT&TT vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm lại vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với 2 doanh nghiệp nhà nước (Bộ TT&TT lại là đại diện chủ sở hữu của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone tại thời điểm đó), gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.
Trong các năm 2017-2018, Bộ TT&TT đã 3 lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ các khó khăn để tiếp tục thực hiện đấu giá.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật và phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và tháng 4/2020 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg (về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện) mà xây dựng Nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá.
Đến ngày 1/10/2021 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
Đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện thể chế có liên quan chưa theo kịp quá trình phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.
Qua giám sát, việc cấp phép thông qua đấu giá đối với băng tần dành cho thông tin di động (được đánh giá là băng tần có giá trị thương mại cao) chưa thực hiện được do phải chờ ban hành Nghị định về đấu giá tần số; việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số còn khó khăn do chưa quy định chặt chẽ trong Luật Tần số vô tuyến điện đã gây lãng phí rất lớn tài nguyên tần số, kho số, nhưng Bộ TT&TT không báo cáo được số liệu lượng hoá lãng phí này.
Chính vì vậy, trong quá trình đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị chỉ cấp giấy phép thông qua đấu giá, không thi tuyển; có ý kiến đề nghị phân tích và đánh giá kỹ tác động của phương án đấu giá băng tần, không đấu giá băng tần; ưu nhược điểm của 2 phương án; đề nghị quy định tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho từng phương thức.
Cam kết triển khai mạng viễn thông khi được cấp phép
Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 quy định ba hình thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp.
Trong đó, đấu giá là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng, doanh nghiệp cạnh tranh về giá để được tiếp cận quyền sử dụng đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Thi tuyển và cấp trực tiếp đều là cấp phép thực hiện theo thủ tục hành chính, vẫn cần thiết phải duy trì khi Nhà nước cần tác động trực tiếp vào thị trường như tạo ra các doanh nghiệp mới để thúc đẩy cạnh tranh hoặc khi cần thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội (phủ sóng rộng), khuyến khích đưa công nghệ mới vào sử dụng…
Cả phương thức đấu giá và thi tuyển đều có thể gặp rủi ro khi doanh nghiệp được cấp giấy phép, nhưng không triển khai hạ tầng mạng và cung cấp dịch vụ như đã cam kết, dẫn đến hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin không phát triển kịp thời, làm ảnh hưởng cơ hội phát triển của xã hội, các ngành, lĩnh vực khác.
Trên thực tế, từ khi Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 có hiệu lực đến nay, mới chỉ thực hiện cấp phép trực tiếp đối với tần số sử dụng cho hoạt động dân sự thông thường mà chưa cấp trực tiếp hoặc đấu giá hay thi tuyển các tần số có giá trị thương mại cao.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Luật Tần số vô tuyến điện trong các kỳ họp trước, Khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định cụ thể hơn đối với cả 3 phương thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể khi triển khai áp dụng.
Nội dung các Khoản 6, 7 và 9 Điều 1 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, làm rõ các trường hợp áp dụng phương thức cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp; sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp giấy phép đối với từng phương thức cấp phép; không sử dụng khái niệm băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao mà quy định cụ thể loại băng tần, kênh tần số được áp dụng phương thức cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển.
Báo cáo giải trình chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày cũng làm rõ, Dự thảo cũng đã quy định cam kết triển khai mạng viễn thông khi được cấp phép theo các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!