Bên cạnh với việc nhất trí với nội dung Chính phủ trình, các đại biểu cũng kiến nghị cần quan tâm hơn tới các giải pháp về hạ tầng, đất đai, tín dụng để giúp người khó khăn thoát nghèo và nâng cao mức sống.
Các đại biểu cho rằng giai đoạn 2016 - 2020 đánh dấu một bước chuyển mới trong tiếp cận giảm nghèo đó là tiếp cận theo phương pháp đo lượng nghèo đa chiều. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã góp phần thay đổi bộ mặt của nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm trong việc triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng: "Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư, quan tâm đến hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là điện, nước sinh hoạt và hạ tầng công nghệ thông tin tại các vùng đặc biệt khó khăn. Bởi sự đầu tư này sẽ dẫn dắt triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở ra sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng dân tộc thiểu số với thị trường trong nước và thị trường quốc tế".
Còn theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - bà Nguyễn Thị Mai Hoa: "Cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người, phải thiết kế được những chính sách mềm, phải dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân trong đó, theo quan điểm của tôi là đầu tư cho giáo dục, sức khoẻ, cho các vấn đề đào tạo nghề và sinh kế".
Bên cạnh đóng góp về cách làm mới, các đại biểu cũng nêu kiến nghị về cách triển khai hiệu quả chương trình trong giai đoạn tới. Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!