Đại biểu Quốc hội lo ngại "chảy máu" nguồn lực đất đai

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 10/01/2022 12:26 GMT+7

Đại biểu Ngô Trung Thành

VTV.vn - Tại phiên thảo luận sáng 10/1, nhiều đại biểu đã phát biểu tranh luận nội dung về sửa đổi quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

Sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã có ý kiến về việc sửa đổi Điều 75 Luật Đầu tư - sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại. 

Theo đề xuất của Chính phủ, việc sửa đổi Điều 75 Luật đầu tư theo hướng, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất quy định để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại khi chỉ cần có đất hợp pháp. Điều này sẽ giải quyết được việc, chỉ vì diện tích dự án không có m2 nào là đất ở nên không thể triển khai xây dựng nhà ở thương mại.

Một số đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ nhận diện vướng mắc, tuy nhiên đề nghị cần xem xét và cân nhắc rất kỹ bởi đây là vấn đề phức tạp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường ( đoàn Hà Nội) cho biết, việc sửa đổi này sẽ mở rộng quyền cho các chủ sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát. Khi được công nhận chủ đầu tư và được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định của luật hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số K. 

"Dù có chuyển đổi đất giữa Bờ Hồ (Hà Nội) hay trên đường Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ 312 triệu đồng/m2. Rõ ràng, điều này sẽ gây thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước" - đại biểu Cường nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội lo ngại chảy máu nguồn lực đất đai - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận từ điểm cầu hội trường Diên Hồng.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: "Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân. Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ "chảy máu" nguồn lực đất đai".

Đại biểu đoàn Đắk Lắk đề nghị Quốc hội tạm thời chưa nên sửa đổi khoản 1 điều 23 Luật Nhà ở như phương án đề xuất; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, đặc biệt phải có hướng xử lý cho bằng được chênh lệch địa tô trong Luật đất đai và các văn bản khác có liên quan để trình Quốc hội sửa đồng bộ.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại của Luật nhà ở đã phát sinh những vướng mắc kéo dài trong một thời gian rất dài. Sửa đổi tại Điều 75 của Luật đầu tư thực chất vẫn chưa giải quyết được những bất cập, đang tạo ra những phân biệt với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không phải một phần đất ở dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực hiện nay và thiếu hụt cung cầu về nhà ở, làm cho giá nhà ở tăng lên.

Đại biểu Quốc hội lo ngại chảy máu nguồn lực đất đai - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, quy định nêu trên không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất quy định về người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất.

Hiện nay đang còn rất nhiều các dự án thương mại đang bị ách tắc trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương… Chính phủ đề xuất sửa đổi Điều 75 Luật đầu tư để cho phép các nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở theo thương mại theo phương thức là chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và không phải qua đấu giá thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã gửi phương án sửa đổi của Chính phủ và những ý kiến của các địa phương. Tính đến 31/12 đã có 20 địa phương đồng ý với phương án sửa đổi của Chính phủ. Một số địa phương thì còn đề nghị sửa đổi mạnh mẽ hơn để tháo gỡ những vướng mắc đối với cả dự án chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở thương mại.

"Qua nghe ý kiến của các đại biểu, đây là một vấn đề rất lớn, rất khó nếu chúng ta không xử lý giải quyết thì sẽ ách tắc và không khơi thông được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta làm không chặt chẽ, không thận trọng thì có thể sẽ gây ra hậu quả như các đại biểu đã nêu. Vấn đề này liên quan đến rất nhiều luật, chính sách về đất đai, xây dựng, đầu tư… cần được nghiên cứu và đánh giá thật thận trọng và đầy đủ hơn, đảm bảo chặt chẽ và hài hòa với nhà nước, nhà đầu tư và người dân" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 2 phương án đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét: 

Phương án 1 như tờ trình của Chính phủ: Rà soát chặt chẽ quy định chuyển mục đích sử dụng đất; định giá tiền phải nộp cho ngân sách khi chuyển. 

Phương án 2 theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước