Tọa đàm: Niềm tin và khát vọng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, với nhiều thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất quan tâm, theo dõi, mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội với mong muốn, những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đảng sẽ đưa đất nước ngày càng phát triển, sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Những nội dung này đã được phân tích, bàn luận sâu trong chương trình Tọa đàm: Niềm tin và khát vọng của Ban Thời sự, Đài THVN với sự tham gia của các khách mời:
- TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
- GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Mục tiêu và khát vọng phát triển trong văn kiện Đại hội XIII
Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có hai thành tố được đề cập và nhấn mạnh nhiều lần, đó là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và đối mới sáng tạo.
Đây có thể được xem là điểm nhấn trong dự thảo văn kiện và của Đại hội XIII, phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5- 10 năm tới mà còn đưa ra tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045.
Các mục tiêu cụ thể:
Năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;
Năm 2030: Là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;
Năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một khát vọng đi tới 25 năm để đến mốc Việt Nam trở thành đất nước phát triển thu nhập cao vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình. Đây là một mục tiêu rất lớn.
Lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đề cập đến "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân. Đây được xem là một điểm nhấn quan trọng. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi vai trò của nhân dân và mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng được thể hiện trong các văn kiện của Đảng.
Lần đầu tiên cụm từ "dân thụ hưởng" được đưa vào dự thảo văn kiện thành "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Việc bổ sung này thể hiện quan điểm của Đảng là tất cả mọi thành quả đều vì người dân- Đây cũng chính là mục tiêu mà Đảng luôn phấn đấu từ ngày thành lập đến nay. Đó là Đảng ra đời từ nhân dân, đấu tranh phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân.
Kinh tế số - nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII
Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến việc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Những cụm từ như "đổi mới sáng tạo", "chuyển đổi số", "kinh tế số", "xã hội số"… đã xuất hiện ngày một nhiều trên các diễn đàn trong nước, quốc tế.
Đặc biệt, trong khó khăn do dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã nhìn thấy cơ hội mang lại từ làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là rất lớn.
Vì vậy, nếu như tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến mà thay vào đó là kinh tế tri thức, thì ở các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, "phát triển kinh tế số" đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội là một trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước, tuy nhiên, dự thảo lần này đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới, trong đó xác định "Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số".
Cách đây hơn 1 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết 52 về cơ bản sẽ tạo dựng các cơ chế, thuận lợi, rộng mở, thí điểm các cơ chế mới để mọi doanh nghiệp phát huy năng lực sáng tạo của mình với mục tiêu trước mắt là đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 1/5 GDP và hỗ trợ năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm và sau đó, thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 28- 62 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP đến năm 2030.
Chỉ trong vòng một tháng cuối năm 2020, cả ba nhà mạng điện thoại di động lớn trong nước đều đồng loạt công bố vùng phủ sóng, chính thức thử nghiệm kinh doanh dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số.
Quan trọng hơn, không như các công nghệ trước đây hầu hết phải nhập khẩu, hiện nay Việt Nam đã dần làm chủ và sản xuất được các thiết bị 5G, một bước tiến mang ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển viễn thông - công nghệ thông tin của quốc gia.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII cũng đặc biệt nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với mục tiêu hướng đến năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển, có thu nhập cao thì việc coi trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng quan trọng, bởi lẽ, chỉ có nguồn nhân lực này mới có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Lê Anh Vinh – Vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam với chỉ 37 tuổi
Nhân vật được xem là niềm tự hào của nền giáo dục Việt Nam này đã giành được Huy chương Bạc Olympic toán Quốc tế, Huy chương Vàng toán Châu Á – Thái Bình Dương khi còn học tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard năm 27 tuổi, và trở thành Phó Giáo sư khi chỉ mới 30 tuổi.
Năm 2010, Lê Anh Vinh đã trở về Việt Nam, đem tri thức, sức trẻ để làm 1 nhà quản lý giáo dục, đồng thời cũng làm 1 người thầy trực tiếp giảng dạy với khát vọng trở thành người truyền lửa và động lực học tập cho học sinh.
Hơn ai hết, anh hiểu rằng yếu tố quan trọng làm nên sự thành công cho các em học sinh, chính là ở người thầy.
Giáo dục và đào tạo, luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Chính vì vậy, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII tiếp tục xác định, "phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao" là một trong những đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII".
Thời gian qua, ngành Giáo dục và đào tạo đã có nhiều hành động cụ thể, để nỗ lực đóng góp nhiều hơn vào việc hình thành lớp thế hệ "công dân toàn cầu", phục vụ và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Và để được coi là "công dân toàn cầu", hay "nhân lực chất lượng cao" thì chắc chắn phải có đủ kiến thức, kỹ năng, và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Việt Nam - hình mẫu phát triển được thế giới ghi nhận và đánh giá cao
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện và có nhiều dấu ấn nổi bật. Đó là liên tiếp trong 4 năm, từ 2016-2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Đặc biệt năm 2020, chúng ta tự hào là quốc gia hiếm hoi trên thế giới tăng trưởng dương trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái về COVID-19. Về đối ngoại, vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nhất là chúng ta trúng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối. Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti chia sẻ khi nói về công tác chống dịch của Việt Nam.
Đại dịch COVID-19 đã không thể bẻ gãy ý chí phát triển của Việt Nam, mà ngược lại, còn mở ra cơ hội để chúng ta tỏa sáng trên trường quốc tế. Đó cũng là nhờ những giải pháp điều hành quyết liệt, kịp thời, nhưng cũng uyển chuyển linh hoạt của Đảng, Nhà nước. Từ chống dịch như chống giặc, chuyển sang trạng thái vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế với sự đồng lòng của toàn dân và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra để thực hiện mục tiêu kép này với những kết quả rất tích cực. Năm qua, khi các nền kinh tế lớn đều đóng băng thương mại, thì Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91%. Đây là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất thế giới. Thậm chí, chúng ta còn đạt kỳ tích trong xuất khẩu, với mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.
Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam cũng đã tăng gần 30% so với năm trước đó, lên tới gần 320 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc, leo lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Chỉ tính riêng trong năm 2020 vừa qua, Việt Nam đã ký kết thành công 3 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có. Đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP và mới nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh UKVFTA vừa được kí kết những ngày cuối năm. Đây có thể coi là những đường cao tốc rộng mở cho hàng hóa Việt nam đến với các thị trường lớn trên thế giới.
Kể từ năm 2020 trở đi, ngày 27/12 hàng năm chính thức trở thành ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Đây là đề xuất của Việt Nam trên cương vị là Uỷ viên không thường trực hội đồng bảo án LHQ. Đề xuất nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng đã nỗ lực không mệt mỏi, tích cực tham gia thảo luận, giải quyết các điểm nóng toàn cầu từ tình hình Yemen, Nam Sudan, tình hình Trung Đông.
Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Chủ tịch Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41
Đặc biệt, tại diễn đàn khu vực năm 2020 vừa qua, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Chủ tịch Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41. Việt Nam đã có những đóng góp to lớn và xử lý khéo léo, hài hòa để ký kết thành công Hiệp định RCEP mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, lần đầu tiên Hội nghị cấp cao ASEAN đã họp ba lần trong năm thay; và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên.
Giữa những khó khăn, thách thức, vai trò, vị thế quốc tế, khu vực của Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn bao giờ hết. Không chỉ trong thời gian này mà là xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cứ khi nào gặp khó khăn thì khí chất Việt Nam, tinh thần Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ.
Theo các học giả quốc tế, quyết định tiến hành công cuộc đổi mới, đặt ưu tiên phát triển kinh tế thông qua chính sách đối ngoại đa phương, là một quyết định có ý nghĩa chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam để huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển.
Nhờ đó, trong 30 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam luôn được duy trì. Tỉ lệ đói nghèo giảm nhanh, kinh tế vĩ mô ổn định, luôn vững vàng trước mọi thức thức cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Vai trò và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Thành quả lớn nhất chính là niềm tin của nhân dân
5 năm qua, nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt.
Đặc biệt, có thể khẳng định, thành quả lớn nhất của nhiệm kỳ chính là niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Làm tốt thì biểu dương. Làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình. Vi phạm là xử lý nghiêm minh. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có hạ cánh an toàn - Đó là những điều đã trở thành nguyên tắc, là quan điểm nhất quan của Đảng ta trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có hạ cánh an toàn
Chưa đầy 10 năm qua, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra hơn 14.000 vụ việc với hơn 24 nghìn bị can. Hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý kỷ luật.
Đây có thể coi là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, được nhân dân và dư luận đánh giá cao.
Giả sử thế hệ sau viết lịch sử về nhiệm kỳ XII thì dấu ấn quan trọng nhất là xây dựng Đảng. Chính thành công trong xây dựng Đảng làm cho dân tin Đảng hơn.
PGS. TS, Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an
Nhiệm kỳ Đại hội XII sẽ khép lại không chỉ với những dấu ấn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà người dân ở mọi miền đất nước, vẫn phấn khởi, và vững tin vào tương lai của đất nước, khi chứng kiến những thành tựu nổi bật về kinh tế trong 5 năm qua.
Trước khi đại dịch COVID-19 ập đến, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều trên 6,5% mỗi năm. Và trước những diễn biến của đại dịch, Việt Nam vẫn thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, và trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương. Điều này lại càng thể hiện tính ưu việt của chế độ.
Những thành quả của năm 2020 nói riêng và cả nhiệm kỳ Đại hội XII nói chung chắc chắn sẽ trở thành tiền đề để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu tổng quát để đến năm 2045, Việt Nam "trở thành nước phát triển, có thu nhập cao".
Và niềm tin của người dân, chắc chắn sẽ tiếp tục được củng cố bởi Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội XIII đã khẳng định: Yếu tố trung tâm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để biến mục tiêu này thành hiện thực chính là phải "củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!