Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đang nhận được sự quan tâm đóng góp của các bộ ngành, địa phương để hoàn thiện, trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 7. Làm sao để tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả là yêu cầu rất quan trọng của chương trình này, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa song song với phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được thiết kế gồm 10 nội dung chính. Trong đó xây dựng con người Việt Nam, cốt lõi là hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức được nhấn mạnh hàng đầu. Đây là nhiệm vụ quan trọng, nhưng để triển khai cụ thể, làm sao hiệu quả, tránh hình thức lại không đơn giản.
"Chúng ta phải xây dựng các chế định, thực hiện các chế định đó để tạo lập một môi trường pháp lý bình đẳng, thực hiện từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, bình đẳng, như vậy mới tạo được niềm tin trong xã hội. Quan trọng nhất là niềm tin", PGS.TS. Phạm Duy Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết.
Các giải pháp đầu tư cần tính đến đặc thù của văn hóa, nghệ thuật. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
So với các chương trình trước đây, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa lần này có những nội dung rất mới. Đó là thúc đẩy văn học nghệ thuật đỉnh cao và phát triển công nghiệp văn hóa. Các chuyên gia đánh giá những định hướng này rất trúng với yêu cầu của thời đại. Theo đó, các giải pháp đầu tư cần tính đến đặc thù của văn hóa, nghệ thuật.
"Cải tiến cách đầu tư, thay đổi quan điểm về đặt hàng cho các nghệ sĩ, khác với hàng hóa thông thường thì mới kích thích được sự sáng tạo của người nghệ sĩ", NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhận định.
Theo lộ trình, chương trình được thực hiện trong 10 năm. Thời gian dài, phạm vi rộng, kinh phí lớn. Quan trọng là cách làm hiệu quả để tránh lãng phí.
"Chúng ta mới chỉ chú trọng sản phẩm mà chưa chú trọng đến quy trình tạo ra sản phẩm đó, phát triển giá trị và thương hiệu đã tạo ra. Đó là điều chúng ta phải thay đổi trong thời gian tới", PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nêu quan điểm.
"Khối lượng công việc lớn, nhiệm vụ khó khăn. Chúng tôi mong các bộ ngành, địa phương sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiệm vụ, đi vào thực tiễn hiệu quả", bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay.
Khi được thông qua, đây sẽ trở thành chương trình mục tiêu quốc gia thứ 4 được triển khai. Một số nội dung văn hóa trùng lắp với 3 chương trình hiện tại, vậy có cần tích hợp vào hay không là vấn đề cần thống nhất để đảm bảo tính hướng đích của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!