Dấu mốc 10 năm phòng, chống tham nhũng

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/06/2022 21:46 GMT+7

VTV.vn - Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận: tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng là thách thức lớn đối Đảng và Nhà nước; mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng vẫn chưa đạt được.

Và cách đây 10 năm, tháng 5 năm 2012 Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Nhìn lại những bước tiến trong công tác phòng chống tham nhũng 10 năm qua, có thể khẳng định, đây là một chủ trương mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm và tầm nhìn của Trung ương trước một vấn đề được coi là nghiêm trọng, một trong những mối nguy, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Và ngày 1 tháng 2 năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước.

Chỉ 3 ngày sau khi Bộ Chính trị ký ban hành Quyết định, ngày 4/2/2013, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm 16 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban đã ra mắt và họp phiên thứ nhất.

Dấu mốc 10 năm phòng, chống tham nhũng - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ra mắt tại phiên họp thứ nhất, ngày 4/2/2013. - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và người đứng đầu Đảng làm Trưởng Ban chính là tạo cơ sở pháp lý và hiệu lực cao hơn trong việc phòng chống tham nhũng. Với bước ngoặt này, các thành viên Ban Chỉ đạo đứng trước trách nhiệm và sự kỳ vọng rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cách đây 10 năm tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến cam kết của 16 thành viên lúc đó phải "liêm, dũng, chính, trực".

Đó cũng chính là lời nhắc nhở để Ban Chỉ đạo hoạt động ngày càng bài bản, phối hợp nhịp nhàng, càng làm càng rút kinh nghiệm để có những bài học quý trong quá trình chỉ đạo lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng đúng vai thuộc bài, không làm thay các cơ quan chức năng. Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả, ngoài phát huy vai trò của từng cơ quan thì cần có một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tránh chồng chéo, lấn vai như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, tránh tình trạng quyền anh, quyền tôi, cua cậy càng, cá cậy vây. Sự phối hợp nhuần nhuyễn, bài bản đã khiến Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với minh chứng là những kết quả to lớn thu được sau 10 năm thành lập.

Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: "Thực sự ra chúng ta đang tồn tại một mô hình đa cơ quan cùng phòng chống tham nhũng, trong đó mỗi cơ quan đều có chức năng nhiệm vụ riêng nhưng đều chịu sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện và điều phối của Ban Chỉ đạo. Cho nên nó trở thành một hệ thống các cơ quan trong một chỉnh thể thống nhất tương đối hoàn thiện, vì thế mà rõ vai thuộc bài và phát huy hiệu quả. Sau gần 10 năm chỉ đạo hoạt động phòng chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo, nhiều cơ chế chỉ đạo, nhiều chủ trương xử lý, nhiều quy định về công tác phối hợp, nhờ đó mà không có khó khăn nào không được giải quyết, không có vướng mắc nào không được tháo gỡ và không có vụ án nào, khó đến đâu mà không giải quyết được. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nói, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Dấu mốc 10 năm phòng, chống tham nhũng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Nhìn nhận thẳng thắn tham nhũng tiêu cực là giặc nội xâm và cuộc chiến đấu này không thể một sớm một chiều mà đòi hỏi kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự sát sao, gương mẫu của người đứng đầu Ban Chỉ đạo, sự phối hợp bài bản giữa các cơ quan, nhiều đột phá đã được tạo ra, làm nên những biến chuyển hết sức to lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đây cũng là câu trả lời của thực tiễn về sự đúng đắn của chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với đồng chí Tổng Bí thư là Trưởng Ban.

Bước chuyển trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong 10 năm qua, hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử, số lượng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao bị xử lý nhiều hơn bất cứ một giai đoạn nào trước đó. Phòng chống tham nhũng giờ đây được thực hiện ở diện rộng hơn, đi vào chiều sâu; từ bị động, đang dần chuyển sang trạng thái chủ động tấn công, nhất là vào những nguyên nhân căn cơ, gốc rễ,qua đó, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, cũng như vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao: "Việc chuyển vị trí trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng từ Thủ tướng sang Tổng Bí thư đó là một bước tiến rất tích cực, đảm bảo cho hoạt động phòng chống tham nhũng diễn ra một cách khách quan hơn toàn diện hơn".

Theo ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao: "Trước đây có khi phải chờ điều tra trọn vẹn một vụ việc nhưng ở đây thì theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thì rõ đến đâu làm đến đấy. Chúng ta có thể tách vụ án ra thành nhiều giai đoạn để xét xử thì nó sẽ tạo ra thuận lợi nhanh chóng hơn trong quá trình xử lý các vụ việc".

"Qua kết quả này, Đảng Nhà nước ta đã tạo nên một bước tiến rất lớn trong việc làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước các cấp, từ bộ, ngành cho đến địa phương" - ông Phạm Ngọc Thảo - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội nói.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, tham ô làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ. Phòng chống tham ô, tham nhũng không phải là vấn đề mới mà đã được coi là nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng ta. Và đến Hội nghị Trung ương 5, khóa XI, với việc thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, một dấu mốc mới trong cuộc đấu tranh cam go với nạn tham nhũng được thiết lập, tạo ra những đột phá chưa từng có trong lĩnh vực này, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước