Sáng 1/6, theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội, phát biểu tranh luận tại hội trường về thực trạng cán bộ sợ sai, không dám làm nên bỏ bê công việc, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) nêu rõ, đây là vấn đề có thật trên thực tế. Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu tại phiên họp là chưa đủ hoặc chưa chỉ rõ nguyên nhân nhạy cảm nhất.
"Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu. Đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài...", đại biểu Kim nói.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định)
Đại biểu đoàn Nam Định cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng càng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới.
Do đó, ông Vũ Trọng Kim đề nghị từ nay, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác phụ trách các cơ quan, đơn vị thì hãy chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của tổ chức cơ quan, đơn vị, như vậy mới đảm bảo công bằng.
Đại biểu nhấn mạnh "phạt ba thẻ vàng cộng lại thành một thẻ đỏ, nếu cứ phạt thẻ đỏ như này sẽ rất nguy hiểm".
Ông Vũ Trọng Kim cũng đề nghị tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế và tránh tình trạng đối xử với luật sư không công bằng, không đúng pháp luật.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)
Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tranh luận với đại biểu Vũ Trọng Kim về hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức e ngại trong thực hiện công vụ.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động. Không hành động trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà Nhà nước giao cho, đó là hành vi vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.
Đại biểu cho biết, có ba trường hợp không hành động, trường hợp thứ nhất là do thiếu hiểu biết nên không hành động; trường hợp thứ hai là do không có lợi nên không hành động và trường hợp thứ ba là biết nhưng sợ nên không hành động.
Đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh, cả ba trường hợp này đều không thực hiện được nghĩa vụ pháp luật, Nhà nước, nhân dân giao phó. Do vậy, cần phải xử lý hành vi này dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả gây ra có hành vi này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!