ĐBQH chất vấn về đề tài "cất ngăn tủ", Bộ trưởng trả lời thống kê rất khó

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 07/06/2023 11:37 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, rất khó để thống kê có bao nhiêu đề tài ứng dụng vào thực tiễn. Các đề tài có thể "để đấy" nhưng sẽ có giá trị trong nhiều năm sau này.

Có bao nhiêu đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước được ứng dụng?

Sáng 7/6, trong phiên chất vấn về lĩnh vực khoa học công nghệ, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

"Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?", ông Vân đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặc dù kinh tế hết sức khó khăn nhưng Chính phủ cũng kiến nghị và Quốc hội đã bố trí kinh phí cho ngành khoa học công nghệ với tỉ lệ là 0,64% GDP (kinh phí dành riêng cho hoạt động sự nghiệp khoa học công nghệ).

ĐBQH chất vấn về đề tài cất ngăn tủ, Bộ trưởng trả lời thống kê rất khó - Ảnh 1.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 7/6

Nhận thấy câu trả lời này của bộ trưởng chưa đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đại biểu không hỏi bố trí bao nhiêu tiền mà hỏi có bao nhiêu đề tài đã đưa vào sử dụng, có bao nhiêu đề tài đã ứng dụng được. "Tức là kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng. Có bao nhiêu đề tài đang để ở trong "ngăn kéo". Rồi là giải pháp để bứt phá về khoa học công nghệ, nhất là giải pháp quản lý Nhà nước thế nào", Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng tập trung vào câu hỏi.

Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết hoạt động khoa học công nghệ có tính đặc thù, đi tìm những cái mới nên có thể thành công, có thể không thành công, có thể thành công sớm hoặc có thể thành công muộn. Do đó, việc tính toán cụ thể có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định.

Theo Bộ trưởng, điều quan trọng là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà nghiên cứu khoa học. Vừa qua có thể thấy kết quả nghiên cứu góp phần nâng xếp hạng của các trường đại học của nước ta ở trong khu vực và quốc tế. Đã có 9 trường đại học của nước ta xuất hiện trên bản đồ xếp hạng của thế giới.

"Tôi nghĩ đó là kết quả đáng khích lệ của ngành khoa học đổi mới sáng tạo của chúng ta", ông Đạt nêu rõ.

ĐBQH chất vấn về đề tài cất ngăn tủ, Bộ trưởng trả lời thống kê rất khó - Ảnh 2.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đề cập đến vấn đề các đề tài nghiên cứu khoa học còn "cất ngăn tủ"

Cũng liên quan đến tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đặt vấn đề công tác phát triển khoa học công nghệ luôn được quan tâm đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học còn "cất ngăn tủ", khả năng ứng dụng thực tiễn còn thấp. Bộ trưởng có thấy đây là tình trạng lãng phí về chất xám và ngân sách nhà nước? Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trinh cũng đặt câu hỏi, trong 3 năm trở lại đây, Bộ trưởng có thống kê được bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đâu là khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ nghiên cứu vào thực tiễn và tại sao đến nay việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp lại chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này?

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết khoa học công nghệ là ngành đặc thù, rủi ro, có độ trễ. Do việc thống kê số liệu bao nhiêu đề tài ứng dụng vào thực tiễn là rất khó. Các đề tài nghiên cứu có thể "để đấy" nhưng sẽ có giá trị trong nhiều năm sau này.

"Có những đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài nghiên cứu xã hội, nghiên cứu triển khai… nên để có số liệu chính thức Bộ sẽ có thống kê chính xác hơn. Tuy nhiên phải nói thêm rằng công tác thống kê này là khó", ông Đạt cho biết.

"Chi 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu"

Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đặt vấn đề thời gian qua Đảng và Nhà nước đã dành rất nhiều nguồn lực to lớn cho khoa học công nghệ tuy nhiên vấn đề sử dụng nguồn lực này như thế nào là vấn đề đặt ra. Trong giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí dành cho các đề tài cấp bộ, cấp cơ sở chỉ có khoảng 13% dành cho nghiên cứu. Có nghĩa là khoản đầu tư cho các đề tài khoa học thì 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại là cho bộ máy, chi thường xuyên…

"Với trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học công nghệ đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ như thế nào?", đại biểu Long đặt câu hỏi.

ĐBQH chất vấn về đề tài cất ngăn tủ, Bộ trưởng trả lời thống kê rất khó - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai)

Về nội dung này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tính đặc thù về tài chính của lĩnh vực khoa học công nghệ. Nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác.

"Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác định lợi nhuận, hiệu quả kinh tế phải ở trong tương lai", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết

Giải pháp căn cơ thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ?

Trước đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đặt vấn đề, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường khoa học công nghệ?

Trả lời đại biểu Thanh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, ngoài những thành tựu cũng còn những khó khăn, hạn chế, nhất là cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy tốt, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiểu quả; Nguồn lực từ ngân sách, từ doanh nghiệp cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật còn hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh các cơ chế, chính sách. Bộ cũng sẽ điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn.

"Chúng tôi sẽ thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ phát triển công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam, đây là giải pháp rất căn cơ", ông nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước