Để có “những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi” không cho tham ô ẩn nấp

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 06/08/2022 20:17 GMT+7

VTV.vn - Đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác từ nhân dân là nhiệm vụ quan trọng để công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực hiệu quả hơn trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Sự tham gia, ủng hộ của nhân dân luôn là nguồn lực quý báu trong mọi hoạt động xã hội, đặc biệt là trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực. Thế nhưng, có một thực tế được chỉ ra đó là hiện nay, công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, tố giác của nhân dân về tội phạm tham nhũng kinh tế, tiêu cực vẫn còn hạn chế.

Một trong những giải pháp được nêu ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tháng 6 vừa qua đã nhấn mạnh phải phát huy hơn nữa, thực chất hơn nữa vai trò, tiếng nói của nhân dân để phát hiện ra những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, những vi phạm xảy ra ở nhiều lĩnh vực.

Ông Phạm Tấn Lực từng là bảo vệ tại gói thầu A3 của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một trường hợp hiếm hoi đã thành công trong việc tố cáo những sai phạm của dự án này. Bất chấp nhiều khó khăn, ông vẫn quyết tâm theo đuổi vụ việc tới cùng

"Phát hiện sai trái, tôi gửi đơn đến huyện, lên tỉnh, khi không thấy các cơ quan này phản hồi, tôi quyết định ra Hà Nội, gặp Trung ương cùng với đó là phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để cùng lên tiếng", ông Lực cho biết.

Năm 2019, Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Gần 40 đối tượng bị xét xử. Có đối tượng lĩnh án gần 9 năm tù. Ông Phạm Tấn Lực được khen thưởng.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, công tác kiểm tra, giám sát, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực, chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy cần phải nâng cao hiệu quả việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm tạo nguồn phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thường, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: "Khi người dân tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã phản ánh, viết đơn tố giác thậm chí lên đến cả cấp Trung ương nhưng quá trình phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng lại có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như việc tiếp nhận xử lý không rành mạch, quan hệ phối hợp không rõ ràng. Đó cũng là một trong những biểu hiện cần phải chấn chỉnh thông qua công tác kiểm tra lần này".

Việc xử lý, tiếp nhận thông tin tố cáo không phải là đơn giản. Ranh giới giữa những đơn tố cáo chính xác với lợi dụng khiếu nại tố cáo để chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ là rất mong manh. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ nhân dân khi hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy mạnh xuống các địa phương.

Không có gì mà nhân dân không biết và do đó không có gì qua mắt được nhân dân. Chính vì vậy, sự tham gia, giám sát của nhân dân sẽ góp phần tạo ra những bước tiến mới trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong giai đoạn mới của phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành "những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước