Ngày 15/8, theo kế hoạch, TAND thành phố Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam cùng 27 đồng phạm trong vụ án bán rẻ hai khu đất Nhà nước, gây thiệt hại hơn 5.700 tỷ đồng.
Từ vụ việc này đang đặt ra vấn đề cần phải kiểm soát tốt hơn việc thực thi quyền lực, nhất là việc thực thi quyền lực của những cán bộ là người đứng đầu các địa phương đơn vị.
Hơn 10 năm trước, khu đất đã được ông Trần Văn Nam, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao trái quy định cho Tổng Công ty 3/2 theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Hành vi này đã gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.
Khu đất được giao trái quy định cho Tổng Công ty 3/2.
Điều đáng nói là sai phạm diễn ra trong nhiều năm nhưng tới gần đây mới được phát hiện, trong khi có cả một hệ thống các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ giám sát.
Kể từ khi sai phạm đến khi vụ việc được phát hiện như ở Bình Dương là 11 năm, hơn 2 nhiệm kỳ. Điều này đã tạo điều kiện cho những người như ông Nam tiếp tục sai phạm và tiếp tục thăng tiến qua nhiều nhiều cương vị chủ chốt từ Phó Chủ tịch, lên Chủ tịch rồi trở thành người đứng đầu cấp ủy của địa phương.
Từ đây cũng đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm các cán bộ của các cơ quan trung ương phụ trách địa bàn - những người giữ vai trò giám sát hoạt động của địa phương những chưa thể phát hiện sai phạm.
Do vậy, để hạn chế việc sử dụng quyền lực cho các mục đích cá nhân, luôn cần có một cơ chế giám sát đủ mạnh. Và trong cơ chế ấy, quyền và trách nhiệm của người giám sát cũng cần được thể chế hóa về một cách chặt chẽ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: "Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế và mọi quyền lực đều phải được kiểm soát".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!