Đề nghị bổ sung hơn 20 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 và 2024

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 10/04/2023 12:31 GMT+7

Quang cảnh phiên họp

VTV.vn - Chính phủ và các cơ quan đề nghị Quốc hội bổ sung vào chương trình nhiều dự án luật như Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Đề nghị bổ sung 6 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết vào kỳ họp thứ 5

Sáng 10/4, tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo tờ trình, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 11 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh và 1 dự thảo nghị quyết trong Chương trình năm 2023 (trong đó tại kỳ họp thứ 5, Chính phủ đề nghị bổ sung gồm 6 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án luật, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 1 dự án luật).

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về các dự án được đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 5, UBTVQH đã quyết định bổ sung 3 dự án vào Chương trình năm 2023 tại phiên họp tháng 3/2023 gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, (2) Luật Căn cước công dân (sửa đổi), (3) Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đề nghị bổ sung hơn 20 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 và 2024 - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Về 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, gồm (1) Luật Đường bộ, (2) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và (3) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; theo dự kiến, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, UBTVQH sẽ cho ý kiến về nội dung đồng thời xem xét đề nghị bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình để báo cáo Quốc hội.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: UBPL và Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách tán thành đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về các dự án được đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 6, UBPL, Thường trực các Ủy ban thẩm tra nội dung nhất trí với đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao bổ sung 3 dự án Luật này vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm: (1) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, (2) Luật Thủ đô (sửa đổi) và (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, UBPL và Thường trực UBQPAN thống nhất đề nghị đưa dự án Luật này vào Chương trình nhưng lùi tiến độ 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Thường trực UBKT tán thành việc ban hành Luật, nhưng cũng đề nghị lùi thời gian trình 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ.

Về dự kiến Chương trình năm 2024, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa 18 dự án luật vào Chương trình năm 2024, trong đó tại kỳ họp thứ 7 thông qua 06 dự án luật và cho ý kiến 10 dự án luật; tại kỳ họp thứ 8 thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 2 dự án luật.

Về kỳ họp thứ 7, UBPL và các cơ quan của Quốc hội tán thành đưa vào Chương trình thông qua 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6; xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ theo quy trình tại một kỳ họp và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

UBPL và Thường trực các Ủy ban thẩm tra nội dung tán thành với đề nghị của Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đưa 8 dự án vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, (2) Luật Công chứng (sửa đổi), (3) Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, (4) Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), (5) Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, (6) Luật Địa chất và Khoáng sản, (7) Luật Phòng không nhân dân, (8) Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Riêng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đề nghị chỉnh lý tên gọi của Luật thành "Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn" để bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch và nội dung Đề cương chi tiết dự thảo Luật.

Về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Thường trực UBXH đề nghị cơ quan trình tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn phạm vi sửa đổi, các chính sách cơ bản của dự án Luật; tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, trình UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024 khi đáp ứng đủ điều kiện.

Đề nghị bổ sung hơn 20 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 và 2024 - Ảnh 2.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)

Về dự án Luật Bản dạng giới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8. Đa số ý kiến trong UBPL cơ bản thống nhất việc đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến về đề nghị xây dựng Luật.

Về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), UBPL và Thường trực UBXH tán thành với đề nghị của Chính phủ đưa dự án Luật Việc làm (sửa đổi) vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Về dự án Luật Dân số (sửa đổi), UBPL thống nhất với Thường trực UBXH đề nghị chưa đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024 do các chính sách trong đề xuất xây dựng Luật còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ để đề xuất bổ sung vào Chương trình khi đáp ứng đủ điều kiện.

Chỉ đưa vào luật những vấn đề đã "chín", đã rõ

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những nội dung quan trọng, cấp thiết, có thể sẽ cần bổ sung thêm nội dung vào phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 tới và cả phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 5 để đảm bảo giải quyết hết các công việc cần thiết.

Đề nghị bổ sung hơn 20 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 và 2024 - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá chi tiết, rõ ràng việc thực hiện công tác xây dựng pháp luật, chỉ đưa vào luật những vấn đề đã "chín", đã rõ, có cơ sở chính trị, được thực tế kiểm nghiệm, để từ đó đạt được sự đồng thuận trong xây dựng cũng như thi hành pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, một vấn đề cấp bách nhưng chưa được phản ánh trong các đề xuất xây dựng luật là về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Ủy ban Thường vụ thống nhất với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đánh giá cao sự chuẩn bị đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với dự án Luật Bản dạng giới của đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Đề nghị bổ sung hơn 20 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 và 2024 - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Về chương trình xây dựng đối với 25 dự án luật của Chính phủ và các cơ quan trình, luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau khi thảo luận cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất 20 dự án.

Trong đó, Về dự án Luật Dân số (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ chuẩn bị khẩn trương trình Thường vụ Quốc hội để đưa vào chương trình năm 2024.

Về các dự án Luật: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội cho ý kiến nội dung và chương trình.

Về dự án Luật Bản dạng giới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Tuy nhiên do vẫn ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao UBPL chủ trì phối hợp UBXH, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế báo cáo xin ý kiến Chính phủ để trình Thường vụ Quốc hội xem xét. Theo đó cần xem xét tên gọi, phạm vi, đối tượng, nội dung dự án luật và nội dung trình.

Đối với dự án Luật Công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa vào chương trình, đồng thời đề nghị Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục tham khảo ý kiến, hoàn chỉnh các vấn đề UBPL và UBXH nêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước