Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Tạ Hiển-Thứ bảy, ngày 08/04/2023 06:00 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). (Ảnh minh họa)

VTV.vn - Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là một trong những nội dung quan trọng tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 10/4 đến 11/4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 từ ngày 12/4 đến ngày 14/4/2023.

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số dự án Luật gồm:

- Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

- Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

- Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (đồng thời xem xét về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

- Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

- Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với 2 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề xuất một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5; cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.

Cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân

Trong số các nội dung được xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân (CCCD) đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Tại Phiên họp thứ 21 vào tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm nay, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung 2 dự án Luật là dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 - Ảnh: VGP/ĐH

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách:

Thứ nhất, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở Dữ liệu căn cước công dân vào thẻ CCCD; thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ.

Thứ hai, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở Dữ liệu CCCD.

Thứ ba, bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở Dữ liệu CCCD; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ CCCD và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước. Tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng tác động nếu tích hợp thông tin cá nhân, bí mật đời tư vào căn cước công dân.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi. Tại phiên họp nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi luật này là rất cần thiết, sẽ góp phần để đạt được mục tiêu 100% công dân giao dịch trên môi trường điện tử như mục tiêu đề ra.

Theo dự thảo Luật Căn cước công dân, ngoài những thông tin vẫn được giữ nguyên như hiện nay, Bộ Công an đề xuất thay đổi một số thông tin khác trên thẻ Căn cước công dân.

Cụ thể, "Số thẻ Căn cước công dân" được thay bằng "Số định danh cá nhân"; "Quê quán" thay bằng "Nơi đăng ký khai sinh; "Nơi thường trú" thay bằng "Nơi cư trú".

Bên cạnh đó, trên thẻ có thể không còn vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Song, trong quá trình làm thủ tục cấp Căn cước công dân, cán bộ công an vẫn thu thập vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Thông tin này không còn được lưu trên thẻ mà được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu căn cước để đối chiếu, nhận dạng khi cần.

Nếu dự thảo Luật Căn cước công dân mới được thông qua, Bộ Công an sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về mẫu thẻ Căn cước công dân mới.

Những thay đổi trên thẻ căn cước khi sửa Luật Căn cước công dân Những thay đổi trên thẻ căn cước khi sửa Luật Căn cước công dân

VTV.vn - Nếu áp dụng những thay đổi mới, người dân vẫn có thể sử dụng Căn cước công dân mã vạch hoặc gắn chip cũ, không cần làm thủ tục đổi mới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước