Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Đặc biệt quan trọng và cần thiết

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 12/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng và hoàn thiệt phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, và toàn xã hội.

Tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao cho rằng: Đổi mới phương thức lãnh đạo là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận đã được chú trọng, tăng cường; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã từng bước được hoàn thiện, ngày càng sát hợp, hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế họp Lãnh đạo chủ chốt hằng tháng đã thành nền nếp, rất có hiệu quả, góp phần làm cho sự lãnh đạo của Đảng tập trung, thống nhất, thông suốt.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Đặc biệt quan trọng và cần thiết - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban Chấp hành Trung ương cũng chỉ rõ vẫn còn không ít những hạn chế. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh: Nhận thức lý luận về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng còn có những vấn đề chưa thật rõ. Việc xây dựng, ban hành các nghị quyết của Đảng, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách của Nhà nước chuyển biến chưa thật sự rõ nét; vẫn còn tình trạng chất lượng một số Nghị quyết chưa sát thực tế; Việc tổ chức thực hiện nghị quyết chưa hiệu quả. Ở một số cấp ủy, tổ chức đảng vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ; Công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả, những mặt tồn tại và các giải pháp, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Thực tế vừa qua cho thấy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng, gắn với thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và các chủ trương, đường lối của Đảng, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình cho rằng, trong tình hình mới việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là việc đặc biệt quan trọng và cần thiết. Việc đổi mới bắt đầu và trước hết là phải quán triệt sâu sắc 5 phương thức lãnh đạo của Đảng.

Đảng lãnh đạo nhà nước thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước; Thông qua việc chọn và cử những cán bộ ưu tú của Đảng để giới thiệu vào đảm nhận các cương vị chủ chốt trong các cơ quan này.

Trong những năm qua, công tác này ngày càng có nhiều đổi mới. Việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ ngày càng được tiến hành chặt chẽ, bài bản, tuy nhiên vẫn chưa khắc phục triệt để được các mặt tồn tại. Trong thực tiễn, vẫn còn để lọt những cán bộ yếu kém, thậm chí mặc sai phạm.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương đã thống nhất cho 3 đồng chí thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương, đồng thời, quyết định khai trừ đảng đối với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Đây cũng là lần đầu tiên, trong cùng một thời điểm, có tới 4 ủy viên Trung ương Đảng ra khỏi Ban chấp hành Trung ương.

Dư luận đánh giá cao trước sự nghiêm minh với các cán bộ có sai phạm, uy tín giảm sút. Trong chưa đầy 2 năm của nhiệm kỳ, đã có 7 trường hợp ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Hơn 60 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khác cũng bị kỷ luật. Có không ít người còn bị xử lý hình sự.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Đặc biệt quan trọng và cần thiết - Ảnh 5.

Trong chưa đầy 2 năm của nhiệm kỳ, đã có 7 trường hợp ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương

Trong cuộc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực những con số này là kết quả và cũng là điều chưa từng có trong lịch sử 77 năm cầm quyền của Đảng. Nhưng chính thực tiễn này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho công tác cán bộ, khâu "then chốt" trong phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Nhiều người đã phải câu hỏi: Vì sao quy trình, quy định có nhiều và ngày càng chặt chẽ nhưng vẫn có nhiều cán bộ mắc sai phạm như vừa qua?

Nguyên nhân chủ quan là sự thiếu tu dưỡng rèn luyện của đội ngũ này khi được đặt vào cương vị lãnh đạo. Đặc biệt là về phía khách quan, chúng ta cũng thiếu cơ chế để kiểm tra, đánh giá và rung chuông, nhắc nhở thường xuyên dẫn đến sự tùy tiện, vượt qua các rào cản.

PGS. TS Phạm Duy Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển


Không chỉ có công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua dù đã có nhiều đổi mới mang tính đột phá nhưng cũng còn không ít những hạn chế, thiếu sót.

Trường hợp cho thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương với ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa qua là một ví dụ.

Quyết tâm cho cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút thôi tham gia Trung ương được dư luận đồng tình đánh giá cao, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn vì sao ông Quang đã có nhiều sai phạm từ nhiệm kỳ trước, như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra, đó là những vi phạm, khuyết điểm gây hậu quả nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng tại Viện này. Khuyết điểm diễn ra trong một thời gian dài nhưng tại sao không được phát hiện, đấu tranh khắc phục từ sớm.

Điều đáng nói là không chỉ có ông Bùi Nhật Quang. Trong số 7 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII vừa bị cách chức, thôi chức, hay bị khai trừ Đảng trong nhiệm kỳ này đều là do những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng từ những nhiệm kỳ trước.

Mới đây nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Thuận trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp bị kỷ luật và vướng vòng lao lý có lẽ là một "kỷ lục".

Các đảng viên và tổ chức Đảng ở đây đã bao che lẫn nhau, không nghiêm túc phê bình và tự phê bình là việc có thể thấy rõ, nhưng ở đây cũng còn cả trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản. Qua kỷ luật, Ban thường vụ tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ vừa qua, nhiều cán bộ cấp cao của Bộ Xây dựng, của Thanh tra và Kiểm toán nhà nước cũng đã bị xử lý.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thời gian qua có những chuyển biến rõ nét, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện tại, công tác này ở một số địa phương đơn vị vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa phát hiện được sớm những biểu hiện tiêu cực, sai phạm từ lúc mạnh nha để có sự chấn chỉnh kịp thời.

Trên thực tế những vụ việc mà bị phát hiện ra không phải là từ nội bộ, mà từ bên ngoài, từ nhân dân, từ truyền thông, từ cấp trên phát hiện ra. Còn tự thân họ không phát hiện ra. Vì sao? Vì sự lũng đoạn quyền lực của người đứng đầu, ngáng trở và thậm chí trù dập những người dám đấu tranh, dám nói ngược lại cái việc làm sai trái của họ. Cái thứ hai nữa là thủ tiêu đấu tranh của những người "thấp bé, nhẹ cân" không dám đụng chạm đến các nhân vật có quyền. Thứ ba nữa là giám sát của quần chúng, các tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng ở cùng cấp rất yếu kém.

Ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng. Công tác này cần được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Đặc biệt quan trọng và cần thiết - Ảnh 9.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 - Ảnh: VGP

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức, cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới; Trong đó cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Trước thực tế một số tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên không gương mẫu, một số người cho rằng, một trong những vấn đề cần phải thực hiện cho được theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII, đó là việc nêu cao tính tiên phong gương mẫu trong hoạt động của các tổ chức Đảng và Đảng viên.

Đề án về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã được Trung ương thảo luận kỹ lưỡng và thông qua tại Hội nghị Trung ương lần này. Nhiều người cho rằng, đổi mới trong tư duy và hành động ở lĩnh vực nào cũng cần. Với phương thức lãnh đạo của Đảng, việc này cũng không phải là ngoại lệ, làm tốt điều này sẽ đẩy mạnh và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước