Đồng chí Trần Quốc Hoàn với cách mạng Việt Nam

Quang Đông - Thanh Hoàng (ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 15/01/2016 21:26 GMT+7

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương)

VTV.vn - Hội thảo khoa học "Đồng chí Trần Quốc Hoàn với cách mạng Việt Nam" đã được tổ chức sáng 15/1, tại Hà Nội.

Nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn - nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, sáng 15/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công an đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề "Đồng chí Trần Quốc Hoàn với cách mạng Việt Nam".

Tới dự có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định với 70 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, giữ nhiều trọng trách của Đảng như: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Liên Khu ủy Khu 2, Bí thư Liên Khu ủy Khu 10, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Dân vận Trung ương… dù ở cương vị nào, đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với sự mẫu mực và lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Tham luận tại hội thảo của Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Trong cương vị người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của lực lượng công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, xây dựng công an trở thành lực lượng vũ trang tin cậy, tuyệt đối trung thành của đảng và nhân dân.

Khẳng định những cống hiến của đồng chí Trần Quốc Hoàn với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt trong việc làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Những kết luận quan trọng trong cương vị Bộ trưởng Công an của đồng chí Trần Quốc Hoàn về những vấn đề cơ bản như công tác bảo vệ cơ quan, công tác điều tra, nghiên cứu, công tác bắt giữ và xét xử, công tác hỏi cung, vấn đề quản chế… đã trở thành phương hướng chỉ đạo của ngành công an, cũng là những vấn đề nghiệp vụ công an, là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển sau này. Những đóng góp về lý luận đó còn nguyên giá trị, là di sản quý báu cần tiếp tục nghiên cứu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước