HĐND TP Hà Nội đề nghị quan tâm, chỉ đạo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 21/02/2023 17:27 GMT+7

Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày tham luận

VTV.vn - Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị quan tâm, nghiên cứu về tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND Thủ đô...

Tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức ngày 21/2, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã có bài tham luận về chủ đề "Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát, tái giám sát của HĐND các cấp".

Trong bài tham luận, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương quan tâm, chỉ đạo để thành phố Hà Nội sớm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua. Trong đó quan tâm, nghiên cứu: tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND Thủ đô (nhằm tăng cường thêm năng lực, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động).

HĐND TP Hà Nội đề nghị quan tâm, chỉ đạo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị

Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, quy định đưa việc thực hiện hiệu quả các cam kết, lời hứa trong chất vấn, trong giám sát của HĐND là tiêu chí đánh giá cán bộ trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu.

Về kết quả và kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động giám sát của TP Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, năm 2022 vừa qua, Thành phố đã tổ chức 2 phiên chất vấn, 2 phiên giải trình, 41 cuộc giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu HĐND Thành phố với những kết quả thiết thực. Ngoài ra, Thường trực HĐND Thành phố phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH Thành phố tổ chức giám sát các nội dung, lĩnh vực theo chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

"Các nội dung giám sát được lựa chọn đều là những vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết, được dư luận và cử tri quan tâm như: giám sát về công tác quy hoạch; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về quản lý, sử dụng tài sản công; các dự án chậm triển khai; xử lý nước thải, thoát nước và thu gom, xử lý rác thải; việc đầu tư các thiết chế văn hoá; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị không đồng bộ…" - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, nhiều nội dung, vấn đề đã tồn tại nhiều năm, thậm chí đã được giám sát nhưng chậm chuyển biến, được thẳng thắn chỉ ra và tái giám sát để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình cụ thể để khắc phục hiệu quả. Có nhiều vấn đề lớn, quan trọng được chuyển hóa thành các nội dung chất vấn, giải trình, và toàn bộ nội dung đều được phản ánh, cung cấp bằng phim tư liệu đảm bảo sinh động và chân xác nhất. Theo dõi, đôn đốc cho đến khi thực hiện xử lý dứt điểm vấn đề đặt ra.

HĐND Thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, trong đó có hoạt động giám sát cần nghiên cứu, bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương và các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là vai trò, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.

Bên cạnh đó, HĐND Thành phố đã bám sát và thực hiện hiệu quả các quy định của Luật và hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, thiết thực nhằm tạo chuyển biến, chuẩn hoá, theo hướng đồng bộ, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử từ Trung ương đến các địa phương.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Thường trực HĐND Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác Đại biểu và các cơ quan của Quốc hội, đồng thời Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu rộng đến HĐND các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn trên địa bàn toàn Thành phố với gần 12.000 đại biểu tại các điểm cầu.

Kết quả cho thấy, sau khi có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát, tái giám sát của HĐND các cấp Thành phố đã ngày càng bài bản, thống nhất, lan tỏa và có những chuyển biến rõ nét.

Một nội dung theo Nghị quyết 594 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đó là: phạm vi, đối tượng giám sát, chất vấn, giải trình. Tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố, ngoài Chủ tịch UBND Thành phố, các Phó Chủ tịch, thành viên UBND Thành phố tham dự và trực tiếp trả lời chất vấn, giải trình, còn có Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham dự và trả lời về các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm, tạo sự liên thông, đầy đủ và xem xét giải quyết vấn đề rõ ràng và triệt để hơn.

Một nội dung quan trọng khác là phải định lượng được kết quả thực hiện. Kết luận giám sát phải chỉ ra các tồn tại, hạn chế, xác định rõ nguyên nhân và lộ trình, giải pháp khắc phục. Tại phiên chất vấn, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết chất vấn, điểm mới là nhiều nội dung trong đó có phụ lục các cam kết tiến độ, mốc thời gian hoàn thành giao UBND và phân công các Ban HĐND chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, giám sát đến khi ra kết quả cuối cùng.

"Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương; sự phối hợp của các tỉnh, thành phố trong cả nước, thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển, trong đó có hoạt động của HĐND các cấp Thành phố, được Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đánh giá là "điểm sáng" trong hoạt động của các cơ quan dân cử cả nước. Mong rằng trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí" - ông Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước