Hóa giải "điểm nghẽn" phân cấp, phân quyền

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/06/2023 21:13 GMT+7

VTV.vn - Một bóng đèn hỏng cũng phải báo cáo, chờ TP thay. Một vườn hoa hay trường học xuống cấp, muốn chỉnh trang cũng phải xin ý kiến từ lãnh đạo TP.

Phân cấp, phân quyền, nhằm phân định nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp, để việc quản lý được khoa học, thuận lợi và hiệu quả là vấn đề lớn, được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm chỉ đạo trong thời gian gần đây. Phân cấp luôn gắn liền với phân quyền, chức năng, nhiệm vụ đến đâu thì thẩm quyền giải quyết phải được quy định phù hợp. Đây là vấn đề dễ thống nhất về nguyên tắc, xong cũng thường vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Khi nhiệm vụ được giao không tương xứng với thẩm quyền giải quyết, dẫn đến hiệu quả công việc thấp, không sử dụng hết, thậm chí lãng phí nguồn lực.

Ngược lại, thẩm quyền không phù hợp với nhiệm vụ, dẫn đến chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Từ thực tiễn cũng cho thấy, đây là yêu cầu bức thiết đặt ra đối với nhiều địa phương, bởi ở nhiều nơi, khi thẩm quyền chưa đi liền với trách nhiệm khiến nhiều công việc liên quan đến giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân chưa được coi trọng.

CHƯA COI TRỌNG VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA NHÂN DÂN

Tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, 2 thửa đất được 2 hộ dân mua của xã để làm nhà ở từ năm 1994 và đã nộp đủ tiền và được giao quyền sử dụng đất. 5 năm sau, 2 hộ dân được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng là đất màu.

Không đồng ý với quyết định của huyện, người dân đã làm đơn đề nghị UBND huyện cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó, 120m2 diện tích đủ điều kiện phải được cấp giấy quyền sử dụng đất ở.

Tuy nhiên, phải đến 15 năm sau kiến nghị của công dân, huyện mới làm việc với xã để giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các hộ dân này.

Hóa giải điểm nghẽn phân cấp, phân quyền  - Ảnh 1.

Bà Kiều Thị Minh ở Thành phố Thái Nguyên cũng ở trong trường hợp tương tự. Nhường đất cho dự án của thành phố, nhưng suốt 12 năm, gia đình bà không nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và giao đất chuyển đổi nghề cho người dân theo như quy định. Bà đã dòng dã viết đơn kiến nghị, gửi thành phố, lên tỉnh, rồi lên Trung ương.

Bà Kiều Thị Minh cho hay: "Tôi lên Trung ương thì tất cả giấy tờ lại gửi về tỉnh. Vấn đề này do tỉnh giải quyết, tỉnh không giải quyết lại lên Trung ương. Sau đó, Trung ương lại bảo về tỉnh, cứ đùn đẩy nhau. Trung ương đùn đẩy về tỉnh, tỉnh đùn đẩy về Trung ương. Thế là cuối cùng chúng tôi không biết như thế nào và cứ đi kêu 12 năm rồi".

Những vấn đề hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, nhưng các địa phương đã để cho người dân ròng rã đi lại không biết bao nhiêu lần. Cho đến cuối năm ngoái, một số kiến nghị mới được chỉ đạo giải quyết triệt để, qua các cuộc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu Tỉnh ủy.

Đây cũng không phải là câu chuyện cá biệt. Nhiều vụ việc ở cơ sở, thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp huyện nhưng lại bị đẩy lên tỉnh, thậm chí lên Trung ương.

Ông Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hộI cho rằng: "Việc phân cấp, phân quyền đã làm nhưng chưa mạnh, chưa rõ dẫn đến nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền của cấp xã, huyện nhưng không được giải quyết triệt để, người dân không đồng tình mà họ đã lên tận cấp Trung ương để đề nghị xem xét. Một trong những nguyên nhân tôi đánh giá thời gian qua là chúng ta làm chưa tốt công tác phân cấp, phân quyền nhưng công tác kiểm tra giám sát đó là còn hạn chế. Ngoài ra, phân cấp, phân quyền chưa gắn với chuyện đưa ra cơ chế kiểm soát quyền lực đối với những cấp được phân cấp dẫn đến họ thực hiện không đầy đủ thầm quyền, trách nhiệm".

Khi phân cấp, phân quyền chưa hợp lý, thẩm quyền chưa đi liền với trách nhiệm, thì có 2 xu hướng có thể xảy ra. Hoặc là cả những việc rất nhỏ, nhưng cấp dưới không đủ thẩm để tự giải quyết mà phải xin ý kiến cấp trên, ngược lại, có những vấn đề thuộc thẩm của cấp dưới nhưng lại không giải quyết, mà vẫn đẩy lên xin ý kiến cấp trên. Để khắc phục bất cập này, Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế, giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện.

HÀ NỘI ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN

Một tuyến đường trước đây thuộc thẩm quyền thành phố quản lý. Chỉ 1 bóng đèn bị hỏng, địa phương phải đưa vào báo cáo và chờ đợi thành phố thay. Nay được phân cấp về cho huyện.

Một vườn hoa đã xuống cấp, hệ thống đèn chiếu sáng cần duy tu, sửa chữa hay đầu tư, chỉnh trang lại trường học từ cấp mẫu giáo đến THPT giờ đều do từng quận, huyện quyết định thay vì phải xin ý kiến từ lãnh đạo thành phố.

Hóa giải điểm nghẽn phân cấp, phân quyền  - Ảnh 2.

Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, TP. Hà NộI nhìn nhận: "Giai đoạn trước, thành phố có phân cấp nhưng mà những nội dung phân cấp thì vẫn còn có hạn chế. Như phân cấp này mà họ tạo điều kiện cho chủ động hơn trong việc chuẩn bị đầu tư trong việc khai thác nguồn lực để thực hiện đầu tư và sẽ chủ động hơn trong các quy trình thực hiện đầu tư".

Hà Nội quyết liệt thực hiện phân cấp trong quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế - xã hội. Khi quyết định có hiệu lực, quận Hoàn Kiếm đã triển khai Dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ.

Giai đoạn 1 của dự án kết thúc, con phố dài hơn 200m, được mở rộng thêm 6m chiều rộng chỉ mất 7 tháng để hoàn thành.

Việc ủy quyền còn được thực hiện tới từng phòng chuyên môn, các xã, thị trấn. Như là trong lĩnh vực tư pháp, 130 thủ tục được Chủ tịch huyện Hoài Đức ủy quyền lại cho Trưởng phòng Tư pháp. 100% các thủ tục này được giải quyết trước thời hạn.

"Các thủ tục hành chính này đều được giải quyết trước hạn thì cũng tạo được tâm lý rất là phấn khởi đối với các tổ chức, công dân. Việc phê duyệt phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính cũng có một ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quyết tâm cao của thành phố Hà Nội, hướng tới việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cũng như thực hiện tốt công tác cải cách hành chính", bà Đồng Thị Nga - Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội nói.

Đồng thời, việc phân cấp, ủy quyền được tính toán theo hướng: những việc gì có lợi cho người dân thì cần ưu tiên làm trước, đặc biệt là những vấn đề dân sinh thiết thực.

Hóa giải điểm nghẽn phân cấp, phân quyền  - Ảnh 3.

Các khách mời trong chương trình Sự kiện và Bình luận sẽ cùng trao đổi để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phân cấp, phân quyền là đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp dưới, để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Hiện nhiều ngành, nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, không ôm đồm những công việc mà cấp dưới có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên, kết quả của nhiệm vụ này còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực, chất lượng thực thi của đội ngũ cán bộ cấp dướI. Với những đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ, hy vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong toàn hệ thống, hướng đến phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hộI, PGS.TS Vũ Văn Phúc -Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà NộI là các khách mời trong chương trình Sự kiện và Bình luận sẽ cùng trao đổi để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước