Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định việc rút tên khỏi danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH

PV (Theo TTXVN)-Thứ sáu, ngày 14/05/2021 10:59 GMT+7

VTV.vn - PV có cuộc phỏng vấn để làm rõ hơn việc sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức, có trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội.

Trải qua quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương cùng các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức chặt chẽ, dân chủ, cẩn trọng, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Để làm rõ hơn việc sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức, có trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định việc rút tên khỏi danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, phát biểu tại họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, chiều 27/4/2021. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Xin bà cho biết, đối với các trường hợp đã có tên trong danh sách ứng cử viên chính thức để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV mà xin rút, quy trình như thế nào?

Để bảo đảm lựa chọn được những nhân sự thật sự xứng đáng, tiêu biểu tham gia Quốc hội khóa XV, công tác xem xét hồ sơ của ứng cử viên được các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện bắt đầu từ ngày nhận hồ sơ đến ngày Hội đồng Bầu cử Quốc gia ban hành Nghị quyết xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về thẩm quyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia được quyết định số ứng cử viên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong trường hợp bất khả kháng. Như vậy, khi phát sinh tình trạng bất khả kháng đối với nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh căn cứ vào đơn xin rút của người ứng cử hoặc chủ động đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định việc rút tên khỏi danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV có hai ứng cử viên đã có tên trong danh sách chính thức và có kết quả trúng cử. Tuy nhiên, căn cứ tình hình nhân sự cụ thể, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh và hủy tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong việc cương quyết không để lọt những người không xứng đáng làm đại biểu Quốc hội.

Mặc dù Quốc hội khóa XIV không bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội như quy định, nhưng với tinh thần: Chấp nhận bầu thiếu chứ không để bầu sai, tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng, đạo đức, trí tuệ của người ứng cử đại biểu Quốc hội được đặt lên hàng đầu.

Việc rút tên khỏi danh sách ứng cử viên chính thức có ảnh hưởng đến số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được phân bổ hay không, thưa bà?

Kế thừa kinh nghiệm của các kỳ bầu cử trước, công tác nhân sự tại kỳ bầu cử này được các tổ chức phụ trách bầu cử và các cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện. Qua đánh giá ý kiến tại các hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú và hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử cho thấy nhân dân, cử tri và dư luận đánh giá cao về chất lượng nhân sự ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đối với những trường hợp phải rút tên khỏi danh sách ứng cử viên chính thức, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã kịp thời điều chỉnh số lượng ứng cử viên bảo đảm bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri tại từng đơn vị bầu cử. Như vậy, sẽ không ảnh hưởng đến số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV đã được phân bố.

Cụ thể đối với trường hợp ông Nguyễn Thế Anh tại tỉnh Kiên Giang có đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ giải quyết thế nào, thưa bà?

Theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, một trong những điều kiện để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là phải có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Đối với trường hợp ông Nguyễn Thế Anh, mặc dù đã được Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang đề nghị và Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố trong danh sách chính thức người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhưng do những yếu tố cá nhân trong đó có vấn đề về sức khỏe, ứng cử viên đã có đơn trình bày lý do và xin rút khỏi danh sách ứng cử.

Sau khi nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã xem xét, cân nhắc tình hình nhân sự thực tế của địa phương và chấp thuận với đề nghị của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang về việc rút tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thế Anh, đồng thời điều chỉnh lại số lượng và nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội tại hai trên tổng số ba đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để bảo đảm bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội đã được ấn định.

Trân trọng cảm ơn bà!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước