Quang cảnh phiên khai mạc COP27 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm El-Sheikh ở thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Ảnh: Nguyễn Trường - TTXVN
Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 6/11 đến 18/11/2022.
Đoàn công tác của Việt Nam tham dự Hội nghị COP 27 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn. Tham dự hội nghị lần này, Việt Nam mang theo tinh thần đoàn kết để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra thông qua hành động thực tiễn để thực hiện các cam kết và nội dung của COP26.
Bên cạnh các hoạt động theo quy định của Công ước, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, nước chủ nhà Ai Cập đưa ra chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính, bao gồm tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, nâng tham vọng hành động khí hậu.
Theo chương trình làm việc, sau phiên khai mạc ngày 6/11, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới sẽ diễn ra trong hai ngày 7/11 - 8/11. Các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, phát biểu tại phiên khai mạc COP27. Ảnh: Nguyễn Trường - PV TTXVN tại Ai Cập
Các phiên họp từ ngày 9/11 - 17/11 sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm: Ngày Tài chính, Ngày Khoa học, Ngày về thanh niên và các thế hệ tương lai, Ngày về khử carbon, Ngày thích ứng và nông nghiệp, Ngày về giới, Ngày về nước, Ngày về xã hội dân sự, Ngày năng lượng, Ngày đa dạng sinh học, Ngày về các giải pháp. Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, hội nghị sẽ thảo luận và xem xét thông qua tuyên bố chung.
Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự phiên khai mạc, phiên toàn thể và thực hiện các cuộc làm việc song phương, đa phương nhằm thúc đẩy các tiến trình thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu.
Nổi bật, Đoàn công tác sẽ tham dự sự kiện "Đẩy mạnh hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính nhằm ứng phó biến đổi khí hậu: Tài chính khí hậu cho con người và hành tinh"; tham dự sự kiện bàn tròn với Liên minh Tài chính Glasgow về hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết ứng phó biến đổi khí hậu; ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Cơ quan phát triển quốc tế Pháp về Thoả thuận hợp tác triển khai quan hệ đối tác chiến lược giảm phát thải carbon và chuyển đổi năng lượng, tiếp nhận 2 Báo cáo kết quả Chương trình Gemmes Việt Nam...
An ninh được thắt chặt để bảo vệ Hội nghị COP27 tại thành phố Sharm El-Sheikh từ ngày 6-18/11. Ảnh: Nguyễn Trường - PV TTXVN tại Ai Cập
Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã bày tỏ sự đồng hành mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động 2 thích ứng an toàn.
Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã ban hành những chính sách, chiến lược hành động để tạo cơ sở cụ thể hóa những cam kết của mình. Đến nay, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Chiến lược đã đưa ra 87 biện pháp giảm phát thải kèm chi phí, tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện và theo dõi giám sát phát thải khí nhà kính.
Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 đưa ra mục tiêu tổng quát là thực hiện nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí methane vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26, trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26).
Hiện nay, quá trình rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đã hoàn thành, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Chiến lược đã đưa ra các định hướng chiến lược để Việt Nam thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050, bao gồm định hướng thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26. Việc thực hiện đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và thực hiện tương đương với mức độ thực hiện của nhiều nước phát triển. Để thực hiện nỗ lực này, Việt Nam rất cần được hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ các nước phát triển và cộng đồng quốc tế.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế.
Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!