Hội nghị Ngoại giao 31 và Hội nghị Ngoại vụ 20 đạt nhiều kết quả cụ thể

Khánh Nguyễn-Thứ hai, ngày 20/12/2021 07:00 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

VTV.vn - Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã điểm qua những kết quả đạt được tại Hội nghị Ngoại giao 31 và Hội nghị Ngoại vụ 20.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 (HNNG 31) vừa kết thúc, xin cho biết về những kết quả chính đã đạt được tại hội nghị lần này? Bộ Ngoại giao có những phương hướng nào để triển khai các kết quả đạt được tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc và HNNG 31?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: HNNG 31 diễn ra trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII và đặc biệt là ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Do đó, Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt cả về nội dung và bối cảnh tổ chức, đánh dấu một giai đoạn kế thừa và phát triển mới của ngoại giao Việt Nam.

Sau 9 phiên họp khẩn trương, thực chất và hiệu quả, HNNG 31 đã thành công tốt đẹp với 5 kết quả chính:

Thứ nhất, kết quả tổng thể, có ý nghĩa bao trùm, quyết định, đó là Hội nghị đã quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối, phương hướng, phương châm, các biện pháp đối ngoại mà Đại hội XIII đã đề ra và những chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc. Hội nghị cũng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và ngày 20/12 tới đây là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trên cơ sở đó, Hội nghị đã tạo được "thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động". Tinh thần chung nổi lên là: Tình hình thế giới có nhiều thay đổi; đất nước ta đang có vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế thuận lợi mới, đứng trước yêu cầu và mục tiêu phát triển mới đến năm 2025, 2030 và đến giữa thế kỷ này. Do đó, yêu cầu mới đặt ra cho đối ngoại và hội nhập quốc tế sẽ phải cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai.

Thứ hai, hội nghị đã quán triệt sâu sắc về 5 bài học lớn về đối ngoại được tổng kết trong 76 năm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và trong 35 năm Đổi mới. Các bài học này đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận Hội nghị đối ngoại toàn quốc. Đó là: (i) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; (ii) Kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt về sách lược; (iii) Xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; (iv) Bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; (v) Bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.

Thứ ba, hội nghị đã đạt được sự thống nhất cao trong phương hướng triển khai các quan điểm mới về đối ngoại mà Đại hội Đảng XIII đề ra và 6 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao cho các cơ quan làm đối ngoại trong cả nước. Đó là quan điểm mới về "triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng". Đó là quan điểm mới về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong "tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Đó là quan điểm mới về "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại" với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Thứ tư, Hội nghị đã nhất trí thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động với các biện pháp, phương hướng cụ thể, trong đó có:

- Tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, trên tinh thần "ngoại giao tâm công, từ trái tim đến trái tim", "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển", như đồng chí Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

- Triển khai hiệu quả Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.

- Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; thúc đẩy luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

- Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục đẩy mạnh tham mưu về các biện pháp phòng chống dịch, mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế; thu hút các dự án hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Sớm nghiên cứu, triển khai các hướng đi mới, cách làm mới như ngoại giao số, ngoại giao về biến đổi khí hậu...

- Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức triển khai ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, góp phần xây dựng sức mạnh mềm của đất nước.

- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân; đẩy mạnh toàn diện công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngoại giao với đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.

- Đẩy mạnh xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; xây dựng "hệ thống chính trị trong ngành Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại" như chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư.

- Tăng cường nghiên cứu, dự báo chiến lược trong tình hình mới như phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, phát triển bền vững, ứng xử trước các chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực.

Hội nghị Ngoại giao 31 và Hội nghị Ngoại vụ 20 đạt nhiều kết quả cụ thể - Ảnh 1.

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Thứ năm, Hội nghị đã lan toả không khí phấn khởi, quyết tâm cao trong toàn ngành ngoại giao và các lực lượng làm đối ngoại trong cả nước. Trách nhiệm đi cùng với vinh dự, tự hào. Các đại biểu tham dự Hội nghị đối ngoại toàn quốc và HNNG 31 đều cảm thấy rất phấn khởi, tự hào về những thành tựu to lớn, ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta; về cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế chưa từng có của đất nước ta hiện nay; dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, và sự ủng hộ, tham gia, đồng hành của nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Bộ Ngoại giao tin tưởng rằng với nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành Ngoại giao, sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ban, ngành và địa phương, ngành Ngoại giao sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra cho thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 (HNNV 20) đã tập trung thảo luận về việc "tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương". Xin cho biết những ý kiến, đề xuất mà ông tâm đắc nhất tại Hội nghị lần này? Trong thời gian tới Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hỗ trợ như thế nào cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương trên cả nước?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: HNNV 20 đã diễn ra thành công, hiệu quả với nhiều kết quả cụ thể. Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao đoàn tại Hà Nội và doanh nghiệp. Đã có gần 40 bài tham luận, trao đổi, ý kiến tương tác tại Hội nghị với rất nhiều bài học tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả và những đề xuất, giải pháp để triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương trong thời gian tới.

- Trong đó, công tác NGKT được các địa phương đặc biệt quan tâm; phản ánh việc các địa phương đều xác định NGKT là đòn bẩy quan trọng phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, hướng tới phục hồi toàn diện. NGKT cũng được Bộ Ngoại giao xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa qua là: "Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước".

- Đoàn ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài trong lần đầu tiên tham dự Hội nghị cũng đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất xác đáng, thiết thực trong công tác đối ngoại địa phương. Đáng chú ý là đề xuất xây dựng các "doanh nghiệp xanh", "khu công nghiệp xanh" thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí về an toàn lao động để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Hội nghị Ngoại giao 31 và Hội nghị Ngoại vụ 20 đạt nhiều kết quả cụ thể - Ảnh 2.

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20

Trong thời gian tới, trên cơ sở chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao và kết quả của HNNV 20, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, trong đó địa phương là một chủ thể quan trọng. Cụ thể:

Một là, đẩy mạnh và phát huy vai trò của NGKT trong đối ngoại địa phương. Hỗ trợ địa phương tích cực chủ động tham gia vào công cuộc "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", thích ứng với tình hình mới, thúc đẩy phục hồi toàn diện.

Hai là, thông qua mạng lưới 94 cơ quan đại diện tại nước ngoài, tăng cường hỗ trợ các địa phương trong thu hút các nguồn lực quốc tế chất lượng cao phục vụ phát triển nhanh và bền vững.

Ba là, hỗ trợ tham vấn cho các địa phương về mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với sự phát triển của quốc tế và thế mạnh của từng địa phương như kinh tế "xanh", chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo....

Bốn là, đảm bảo sự toàn diện của đối ngoại địa phương thông qua đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao.

Năm là, tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ đối ngoại địa phương; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của địa phương trong triển khai công tác đối ngoại.

Xin cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước