Tiếp tục chương trình nghị sự của Liên minh nghị viện thế giới IPU-132, sáng 31/3, đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết IPU-2012 "Quyền cơ bản về tiếp cận y tế: Vai trò của Quốc hội trong việc giải quyết những thách thức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em".
Hội nghị năm nay diễn ra vào thời điểm bước ngoặt khi các quốc gia đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó việc tăng cường sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em là một trọng tâm. Phiên thảo luận sáng 31/3, đã tạo cơ hội để nghị viện các nước chia sẻ những kinh nghiệm, thành công và những khó khăn; cũng như đưa ra các sáng kiến để hoàn thành các cam kết đã đề ra trong quyền cơ bản về tiếp cận y tế của phụ nữ và trẻ em.
Xem xét quá trình từ khi thông qua nghị quyết IPU năm 2012, các đại biểu nhận định rằng, nghị viện của các nước có tỷ lệ bà mẹ và trẻ em tử vong cao đã tham gia tích cực thực hiện các cam kết. 4 hình mẫu điển hình là Bangladesh, Chile, Rwanda và Uganda đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình tại phiên họp. Đó là cách nghị viện tăng cường sự quan tâm đối với sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và sự quan tâm đó đã được chuyển thành hành động theo 4 cách thức: đưa ra các điều luật mới, tăng ngân sách, giám sát thực tế, nâng cao nhận thức của xã hội.
Nếu theo những cam kết của nghị quyết IPU-2012, những thống kê tại Bangladesh được coi là một tín hiệu tốt. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh từ con số 144/1.000 trẻ sinh ra năm 1990 xuống còn 41/1.000 trẻ năm 2012, vượt qua mục tiêu đề ra là 48 trẻ. Tỷ lệ bà mẹ tử vong khi sinh cũng giảm 2/3.
Tuy nhiên, để hoàn thành hai mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 4 và số 5 là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, các nghị sỹ đã chỉ ra những trở ngại mà cơ quan lập pháp các nước đang gặp phải.
Kết thúc buổi thảo luận, các đại biểu nhất trí rằng để vượt qua được những khó khăn hiện nay trong việc tăng cường sức khoẻ cho bà mẹ, trẻ em, trọng tâm là phải duy trì các cam kết chính trị trong các nghị viện và các cơ quan giám sát IPU; đồng thời tăng cường hỗ trợ và hợp tác giữa các thành viên IPU và với các đối tác toàn cầu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.