Sáng nay (30/1), Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 1 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1. Những giải pháp để đối phó với giá dầu thế giới giảm thấp là chủ đề chính của phiên họp đầu tiên của Chính phủ trong năm 2015 và là phiên cuối cùng của năm Giáp Ngọ.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 giảm 0,2% so với tháng 12 năm ngoái và là tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước đó và cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm.
Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục giảm theo giá thế giới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 2,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng ở mức cao và được đánh giá do tháng trước tăng đột biến ở mức cao nên tháng này không theo kịp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, đến nay, nền kinh tế không có dấu hiệu giảm phát. Song, giá dầu giảm dưới 50 USD/thùng và chưa có dấu hiệu phục hồi sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác các mỏ dầu, đặc biệt là các mỏ có giá thành cao hơn hoặc bằng giá bán. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ, ngân sách Nhà nước cũng không bị ảnh hưởng nhiều, do Bộ Tài chính đã 2 lần tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên mức 35%, để bù đắp một phần giảm thu ngân sách do nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô giảm. Bên cạnh đó, giá dầu giảm sẽ làm cho nền kinh tế phát triển tốt hơn và từ đó nguồn thu thuế nội địa cũng sẽ cao hơn.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong tháng đầu tiên của năm nay, các Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc quán triệt và triển khai các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, nên việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội được thực hiện sớm và kịp thời ngay từ đầu năm nên hầu hết các lĩnh vực đều đạt kết quả tích cực.
Thủ tướng nhấn mạnh, giá dầu thế giới giảm mạnh đang là vấn đề lớn nhất, đến ngày 29/1 chỉ còn hơn 44 USD/thùng, giảm hơn một nửa so với mức giá báo cáo Quốc hội, cũng như mức tính toán cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá dầu thô giảm xuống 40 USD/thùng thì thu ngân sách sẽ giảm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Từ tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, giá dầu thế giới giảm sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế nhiều hơn là tiêu cực và Chính phủ sẽ tiếp tục kiên địch mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay là 6,2% và chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 5%.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu thận trọng để đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá, nhưng trước mắt các tỉnh, thành cần tăng cường công tác thanh tra giá cước vận tải, đồng thời vận động các Hiệp hội giảm giá cước vận tải tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh tới yêu cầu đối với Tập đoàn dầu khí Quốc gia, khi giá dầu giảm có thể giảm khai thác, được phép dự trữ và không được bán dưới giá thành khai thác. Thủ tướng cũng tái khẳng định quan điểm là Chính phủ sẽ để giá than, giá xăng, dầu và tới đây là giá điện theo thị trường, nhưng không được để giá xăng, dầu thấp hơn quá nhiều so với các nước láng giềng để chống buôn lậu.
Liên quan đến vấn đề chống buôn lậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các địa phương phải tăng cường công tác chống buôn lậu, đồng thời tập trung chỉ đạo để không cho gia cầm sống thẩm lậu qua biên giới để phòng chống dịch cúm gia cầm H7N9.
Chiều nay (30/1), Chính phủ sẽ tiếp tục phiên họp thường kỳ để thảo luận về Báo cáo chính sách miễn thuế đối với hàng hóa, mua bán trao đổi của cư dân biên giới cùng với dự thảo Nghị định quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội cùng với nhiều vấn đề khác.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.