Không để "văn bản chồng chất lên văn bản"

VGP-Thứ năm, ngày 01/10/2020 15:48 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Đây là đề nghị từ Tổ công tác của Thủ tướng tại buổi làm việc với 10 bộ, cơ quan ngang bộ sáng 1/10 về tình hình xây dựng, ban hành các văn bản chi tiết luật, pháp lệnh...

Trước tình hình các bộ, cơ quan có quyết liệt, nhưng việc nợ đọng văn bản còn nhiều, Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan phải tập trung xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng, không làm ảnh hưởng đến kết quả, sự cố gắng, nỗ lực của cả nhiệm kỳ Chính phủ, đồng thời phải cải cách, không thể để tình trạng ban hành quá nhiều văn bản, "văn bản chồng chất lên văn bản".

Sáng 1/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì làm việc với 10 bộ, cơ quan ngang bộ về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật (nợ đọng) và có hiệu lực pháp luật từ 1/1/2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 tháng năm 2020.

Không để ảnh hưởng đến nỗ lực của cả nhiệm kỳ Chính phủ

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt vấn đề xây dựng thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Chính phủ, Thủ tướng xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá, chiến lược để đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm, tập trung nguồn lực và ưu tiên hàng đầu cho công tác hoàn thiện thể chế.

Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ, ngành mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn để đề xuất, xử lý, tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng.

Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, xây dựng văn bản quy định chi tiết phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 10/8/2020. Cụ thể là cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết, nhất là thông tư theo hướng một nghị định chỉ ban hành 1 thông tư hướng dẫn, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực thi pháp luật. Cùng với đó là tình trạng một luật ban hành quá nhiều nghị định, thậm chí có luật ban hành tới 15 nghị định.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đây là cuộc làm việc thứ 3 của Tổ công tác về tình hình xây dựng, ban hành văn bản. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đến nay mặc dù các bộ, cơ quan có quyết liệt, nhưng việc nợ đọng còn nhiều. Trước tình hình này, Tổ công tác làm việc với các bộ, cơ quan có nợ đọng văn bản quy định chi tiết, đề án trong chương trình công tác và có văn bản phải ban hành trong thời gian tới nhằm rà soát lại việc xây dựng, ban hành văn bản; xác định khó khăn, vướng mắc và thời gian cụ thể hoàn thành.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan phải quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng này, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, không làm ảnh hưởng đến kết quả, sự cố gắng, nỗ lực của cả nhiệm kỳ Chính phủ.

Phải quyết liệt, tích cực để không nợ đọng

Không để văn bản chồng chất lên văn bản - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN.

Theo Vụ Tổng hợp (VPCP), đến hiện tại, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 18/55 văn bản (chiếm 32,7%) quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, đang gây khó khăn, lúng túng trong việc thi hành luật, pháp lệnh.

Ngoài ra, có 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021, hiện đã trình 2 văn bản; còn 47 văn bản chưa trình, trong đó có 22 văn bản đã chậm trình theo phân công; 16 văn bản phải trình trong tháng 10 và 9 văn bản phải trình trước 15/11/2020.

Đến 30/9/2020, còn 35/301 đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nợ đọng, chiếm 11,6%, trong đó các bộ tham dự buổi kiểm tra nợ đọng 28 đề án, chiếm 80% tổng số đề án nợ đọng.

Ngoài ra, trong Quý IV, các bộ, cơ quan phải trình 156 đề án, trong đó, 10 bộ, cơ quan tham dự buổi kiểm tra có 109 đề án, chiếm 70% trong tổng số đề án phải trình trong Quý IV/2020.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 256 văn bản (65 văn bản quy định chi tiết, 191 đề án trong chương trình công tác). Trong đó, 10 bộ, cơ quan tham dự buổi làm việc phải trình 199/256 văn bản, chiếm 78%.

Với tình hình này, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, nếu không đẩy nhanh, không tích cực, không quyết liệt thì sẽ nợ đọng văn bản sẽ rất lớn, và khẳng định lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu các cơ quan phải tập trung xử lý, phải quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng này.

Các bộ, cơ quan xem xét lại việc ban hành nhiều văn bản và nhấn mạnh phải cải cách, không thể để tình trạng "văn bản chồng chất lên văn bản".

Bên cạnh đó, Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo các bộ, cơ quan thực hiện kiên quyết việc khi ban hành 1 văn bản mới phải hủy 1 văn bản cũ; 1 luật ban hành tối đa 2 nghị định; 1 nghị định ban hành 1 thông tư hướng dẫn.

Theo đại diện Bộ LĐTB&XH, Bộ không có văn bản nợ đọng. Văn bản có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ có 15 văn bản, hiện nay đã trình 2 văn bản, còn lại 13 văn bản. Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ nghiên cứu thêm, bởi Bộ luật Lao động sửa đổi dự định ban hành 15 nghị định thì quá nhiều, cần làm gọn lại để thuận lợi trong ban hành văn bản.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, còn nợ đọng có 6 văn bản chi tiết, 3 chương trình công tác, 8 văn bản có hiệu lực từ 15/10/2021. Tổ trưởng Tổ công tác nêu Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT là những bộ có lượng văn bản vô cùng lớn. Số đầu việc và văn bản của 2 bộ này chiếm tỷ lệ nhiều trong các bộ, cơ quan. Việc nợ 6 văn bản của Bộ Tài chính là lớn, nhưng không lớn so với đầu việc được giao của Bộ. Vì vậy, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ quyết tâm hoàn thành văn bản nợ đọng và 8 văn bản có hiệu lực từ 1/1/2021 hoàn thành trước 15/10/2020.

Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao quyết tâm của Bộ KH&ĐT, dù nhiệm vụ lớn nhưng hiện không có văn bản nợ đọng, có 12 văn bản có hiệu lực từ 1/1/2021 và cho biết sẽ hoàn thành trong quý IV/2020. Liên quan Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị từ 5 nghị định, Bộ nghiên cứu tích hợp lại thành 2 nghị định. Tổ công tác đề nghị Bộ tiên phong sửa đổi và sẽ báo cáo Chính phủ về sự tiên phong giảm bớt số lượng đầu mối, số lượng nghị định ban hành.

Đại diện Bộ Tư Pháp cho biết, Bộ không nợ đọng văn bản quy định chi tiết, với luật có hiệu lực từ 1/1/2021 có 2 luật. Với 2 luật này Bộ Tư pháp xác định ngay từ đầu chỉ ban hành 1 nghị định và có lộ trình về thông tư chi tiết. Bộ Tư pháp đề nghị các bộ ngay từ đầu khi lập danh mục cần xác định ngay chỉ ban hành ít nghị định. Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao tinh thần cải cách tiên phong của Bộ Tư pháp ngay từ đầu khi xây đựng danh mục cho luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Tổ phó Tổ công tác nhấn mạnh về chủ trương của Chính phủ về giảm bớt nghị định, giảm bớt đầu mối và cho biết Bộ Tư pháp nhất trí cao với ý kiến của VPCP là cần tham mưu để giảm thiểu các nghị định. Tuy nhiên, về lâu dài cần nghiên cứu và có chủ trương rõ hơn, gắn với các chế tài, tăng cường nhận thức, thực hiện theo đúng mục tiêu của Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ là trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tác đánh giá, so với cuộc làm việc trước, tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản có tiến triển nhưng chưa đạt kỳ vọng, lượng văn bản nợ đọng còn nhiều.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị chậm nhất 15/10, các bộ, cơ quan hoàn thành 18 văn bản nợ đọng, để không để ảnh hưởng đến nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV; còn 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021, đề nghị thời gian ban hành chậm nhất là 15/11/2020. Đề nghị các bộ, cơ quan rà soát những nhiệm vụ không làm được, báo cáo Chính phủ; tích cực và quyết liệt hơn nữa để không còn nợ đọng.

Theo Tổ trưởng Tổ công tác, tại phiên họp Chính phủ tháng 9 dự kiến diễn ra vào ngày mai (2/10), Tổ công tác sẽ báo cáo công khai tình hình nợ đọng văn bản. Bên cạnh đó, VPCP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước