Thảo luận về dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho rằng luật cần phải giải quyết những quy định bất hợp lý trong ngành y tế mà chỉ có ở Việt Nam. Như một lãnh đạo ngành y tế từng phát biểu đó là vấn đề về mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công.
Đại biểu Long cho biết, đến nay, nước ta là một trong số ít những quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm. Đại biểu này cho rằng, giám đốc bệnh viện công là những người giỏi chuyên môn, y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa phòng đi lên. Tuy nhiên họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động của bệnh viện. Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý trang thiết bị, nguồn nhân lực, hạ tầng… làm chất lượng khám chữa bệnh kém đi, thiếu tính chuyên nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) nói những bất cập về việc liên quan đến việc các bác sỹ giỏi chuyển sang công tác quản lý
Cũng cần phải nói thêm, các trường y hiện nay chỉ chú trọng đào tạo các chuyên ngành y khoa, y đa khoa, cử nhân điều dưỡng…mà không chú trọng đào tạo quản lý bệnh viện. Không phải cho đến bây giờ khi hàng loạt lãnh đạo quản lý bệnh viện sai phạm, xử lý hình sự chúng ta mới thấy mà sự bất cập mà đã xuất hiện từ lâu.
“Từ năm 1945 đến này, trong ngành y tế luôn có hiện tượng người giỏi chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo luôn phải có sự lựa chọn một trong hai. Nói đến điều này chúng ta còn nhớ câu chuyện GS Tôn Thất Tùng, ông giữ trách nhiệm cao nhưng sau đã xin thôi chức vụ lãnh đạo để chuyên tâm cho nhà khoa học. Nếu như ông làm quản lý thì chắc chắn thế kỷ 20, thế giới đã không có một nhà phẫu thuật gan nổi tiếng”, ông Long nêu ý kiến.
Theo ông Long, câu chuyện giằng xé giữa chuyên môn và quản lý vẫn còn tiếp tục đến thời điểm này, như mới đây chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện một bác sĩ đã từ chối giám đốc Bệnh viện hữu nghị để chuyên tâm cho làm khoa học.
Theo quan điểm của đại biểu Long, đối với những người chấp nhận vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.
“Chúng ta thử hình dung, một bác sĩ bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý cứu bệnh nhân thì đầu óc lại đang bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B nào đó. Ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số lợi ích của những cơ man các mối quan hệ chằng chịt. Nếu không thắng nổi, xử lý hết mối quan hệ đó thì vào tù là sớm hay muộn”, đại biểu đoàn Đồng Nai trăn trở.
Cũng theo đại biểu Long, từ lâu, ngành y tế đã thấy rõ những bất cập của nhiệm kỳ trước, Bộ đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, cùng với đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm tổng giám đốc và giám đốc điều hành.
Dự kiến sẽ thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành là CEO, thay những nhà quản lý chuyên môn bằng những nhà quản lý chuyên nghiệp, CEO không cần giỏi về y khoa mà cần giỏi về quản lý điều hành. Điều này nhằm tạo ra bước đột phá, nâng cao chất lượng bệnh viện, đảm bảo minh bạch và hiệu quả quản lý bệnh viện công phù hợp với xu hướng của thế giới, quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng của bác sĩ là chăm sóc cho bệnh nhân,
Rất tiếc là những nỗ lực đó chưa hiệu quả, theo đánh giá, quá trình triển khai mô hình trên gặp phải hai rào cản chính là nhận thức và thể chế.
“Về nhận thức, trước thực trạng đã và đang diễn ra thì sự đổi mới về quản trị y tế công đặt ra tính cấp thiết, những ai còn vấn vương quyền hạn, lợi ích ở chiếc ghế giám đốc thì đã có những bài học cảnh tỉnh. Về thể chế, nếu không đưa ra nội dung sửa đổi bổ sung tại dự thảo luật lần này thì không biết đến bao giờ chúng ta xử lý được vấn đề bất cập trên”, ông Long phân tích.
Đại biểu Long, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý bệnh viện công
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý bệnh viện công. Hai là cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về hành nghề khám chữa bệnh.
Thứ ba là cần xem xét quy định về tiêu chuẩn các nhân lực quản lý là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng của cơ sở khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung của thế giới. Cuối cùng, đại biểu này đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy quản lý đối với cơ sở y tế công lập.
Các bác sĩ hiện nay có tâm lý không yên tâm công tác
Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho biết với điều 18 về chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề.
Bà Dung nhất trí với 9 chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề như dự thảo luật. Tuy nhiên với chức danh y sĩ, bà nhất trí với ý kiến của cơ quan thẩm tra đó là cấp giấy phép hành nghề với chức danh y sĩ chung chứ không chỉ với chức danh y sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
Đại biểu đề nghị xác định lại sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ của y sĩ trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện nay, trong tương lai. Điều này rất cần với tuyến y tế cơ sở, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi mà cả ở vùng nông thôn.
Trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang thiếu hụt bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở. 2 năm qua, trong thời gian có dịch COVID-19 đã có gần 5.000 nhân viên y tế, trong đó có nhiều bác sĩ xin thôi việc trong hệ thống y tế công lập.
“Cứ đà này sẽ rất nghiêm trọng, các bác sĩ hiện nay có tâm lý không yên tâm công tác”, bà Dung nói là lấy dẫn chứng trên thế giới có một loại hình là trợ lý bác sĩ. Họ công tác ở trên 50 nước trên thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên phát triển loại hình này để lấp đầy khoảng trống nhân lực trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong khi thiếu hụt nhân lực y tế là bác sĩ.
Theo đại biểu Nguyễn Thi Thu Dung, 2 năm qua, trong thời gian có dịch COVID-19 đã có gần 5.000 nhân viên y tế, trong đó có nhiều bác sĩ xin thôi việc trong hệ thống y tế công lập
Trong tình huống thiếu nhân lực y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị với cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần nghiên cứu để tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sĩ. Tuy nhiên, cũng đề nghị với các bộ chuyên ngành, đặc biệt là Bộ Y tế có quy định xác định lại sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của y sĩ trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới để xây dựng lại chương trình đào tạo. Ngoài ra, quy định lại chức năng, nhiệm vụ đối với từng vị trí công việc và đào tạo theo hướng chuyên môn hóa chuyên sâu.
Ví dụ như y sĩ chuyên ngành sản nhi, chuyên ngành dinh dưỡng hoặc là chuyên ngành y học cổ truyền để có thể hỗ trợ cho bác sĩ trong mọi hoàn cảnh, mọi vị trí công việc chứ không phải chỉ ở tuyến y tế cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!