Trong kết luận các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiều cán bộ bị kỷ luật, tuy chưa đến mức cách chức nhưng năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Theo GS.TS. Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): "Đã không có năng lực, uy tín mà điều hành lãnh đạo thì rất khó, gượng gạo, miễn cưỡng. Người chấp hành cũng không tâm phục, khẩu phục thì rất khó để làm việc, khó đưa ra quyết định và khó thực hiện quyết định".
Nhiều ý kiến cho rằng: Đang có một khoảng trống trong thực thi nhiệm vụ ở các cơ quan có cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút. Khoảng trống này càng lớn hơn khi cán bộ đó là người đứng đầu và có vi phạm nghiêm trọng.
Để khắc phục, khuyến khích những cán bộ vi phạm tự nguyện từ chức hoặc buộc phải miễn nhiệm theo tinh thần kết luận mới đây của Bộ Chính trị là một giải pháp.
Theo TS. Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: "Chúng ta bảo đảm rằng người trong cuộc phải cân nhắc rất kỹ, hoặc chủ động xin từ chức hoặc nếu vẫn thấy rằng mình vẫn còn uy tín thì chờ đợi và chấp hành sự đánh giá của tổ chức. Tổ chức sẽ xem xét rằng con người ấy, cụ thể vị trí ấy liệu có thể tiếp tục được công việc hay không thì sẽ quyết định việc miễn nhiệm. Tôi nghĩ như vậy rất phù hợp, rất cân đối, vừa nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn".
Công tác cán bộ luôn cần "có vào, có ra, có lên có xuống". Đã đến lúc việc cán bộ uy tín giảm sút từ chức cần trở thành một việc bình thường, thành một văn hóa trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị, thay vì một tư duy mang tâm lý định kiến, nặng nề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!