Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện

Thuỳ An - Tạ Hiển-Thứ bảy, ngày 05/11/2022 10:48 GMT+7

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh

VTV.vn - Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực nội vụ, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 là chủ trương lớn, có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế xã hội, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân các địa phương. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện trong thời gian rất ngắn, chưa đánh giá tác động đầy đủ, chưa lường hết các tình huống phức tạp phát sinh, một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Cho đến nay còn rất nhiều khó khăn, bất cập, chưa được giải quyết.

Đại biểu đặt câu hỏi tới Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh: Phải chăng chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho công việc hệ trọng và phức tạp này. Việc tổ chức thực hiện trong thời điểm, thời gian và cách làm như vậy có vội vàng, chủ quan không?

Điều hành phiên chất vấn sáng 5/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, vấn đề này đã có chủ trương từ Bộ Chính trị, Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo chặt chẽ với phương châm "2 xuống 1 lên" đạt kết quả ban đầu rất là quan trọng, trong thời gian ngắn đã sắp xếp một khối lượng rất lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chuyên đề giám sát và ban hành Nghị quyết 595 và đã sửa đổi Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 năm 2016.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm, đồng thời đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ thêm.

Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn

Phát biểu về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ đây là chủ trương lớn, quan trọng.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo lộ trình và yêu cầu đặt ra. Kết quả, việc thực hiện về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và các đơn vị trong giai đoạn 2019-2021 bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước.

Ông Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư, cũng như chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực cũng báo cáo thêm về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành. Theo đó, Chính phủ cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai với quyết tâm cao, tinh thần quyết liệt và bám sát chủ trương, quy định của Đảng và của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và chỉ đạo các bộ tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp để kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng.

Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí và giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, cũng như giảm các đơn vị sự nghiệp công trong các bộ, ngành Trung ương.

Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện - Ảnh 2.

Sáng 5/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu, trả lời và làm rõ một số vấn đề trước Quốc hội

Chính phủ cũng đã quán triệt tất cả các bộ, tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm định, cơ quan có liên quan và tạo được sự đồng thuận để đưa ra nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy của các Bộ.

Đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ, còn lại 11 bộ, ngành sẽ được tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo đó dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ.

Tinh giản biên chế còn cơ học, cào bằng

Về vấn đề tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng. Việc này nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương.

Trước những vấn đề mà các đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn liên quan đến tinh giản biên chế và tình trạng cán bộ, công chức thôi việc, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Đến năm 2021, đã giảm được hơn 27.000 biên chế công chức, hơn 236.000 biên chế viên chức. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc tinh giản biên chế còn mang tính chất cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

"Chính phủ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính. Đổi mới công tác đánh giá bảo đảm thực chất quan tâm đến việc bố trí công tác giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề biên chế giáo dục và y tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và cũng là bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp", "có bệnh nhân phải có cán bộ y tế".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước