Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành công tác nhân sự

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 07/01/2025 11:54 GMT+7

VTV.vn - Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với các nội dung để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trình Quốc hội xem xét các nội dung về sắp xếp bộ máy

Sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, đến ngày 3/1/2025, đã nhận được văn bản của 7/17 cơ quan, trong đó, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 8 nội dung (4 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và 1 Tờ trình về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư), Ban Công tác đại biểu đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các luật về tổ chức theo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành công tác nhân sự - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng

Trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc tiến hành Kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025 để xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết có liên quan về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, căn cứ đề xuất của các cơ quan và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với các nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bao gồm:

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội;

- Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi);

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi);

- Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026;

- Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI;

- Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy;

- Công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất trình 3 nội dung khác gồm: dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…

Về thời gian, dự kiến Quốc hội họp khoảng 4,5 ngày (trong đó dự kiến bố trí ngày cuối Kỳ họp để biểu quyết, thông qua các dự án luật, nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền), khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2/2025. Có bố trí thời gian Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua (dự kiến Quốc hội nghỉ họp từ 2 - 3 ngày).

Trường hợp trình Quốc hội dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… thì thời gian Quốc hội dự kiến họp thêm khoảng 2 ngày (thảo luận Tổ 0,25 ngày/nội dung; thảo luận Hội trường 0,5 ngày/nội dung; ghép thảo luận trong cùng 1 buổi đối với một số nội dung...).

Đến nay, toàn bộ các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đều đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tài liệu; một số nội dung chưa bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, cơ quan của Quốc hội chưa thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến.

Để bảo đảm thành công của Kỳ họp, góp phần triển khai đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại Phiên họp thứ 42 (tháng 2/2025) và gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 3 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Về tiếp xúc cử tri, tại Kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động tổ chức tiếp xúc cử tri theo cách thức phù hợp để thông tin đến cử tri về các nội dung của Kỳ họp, tiếp tục lan tỏa sâu cho các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương.

Cần phải chuẩn bị khẩn trương tính bằng giờ, bằng ngày

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh sự quan trọng của việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, việc tổng kết nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ liên quan đến hơn 300 luật và khoảng 4.000 văn bản bao gồm các thông tư, nghị định...

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành công tác nhân sự - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội đề nghị sẽ ban hành Nghị quyết đưa ra nguyên tắc chung, sau đó Chính phủ sẽ sửa dần dần. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, thời gian chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường hết sức gấp, các cơ quan cần phải khẩn trương tính bằng giờ, bằng ngày.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội Nghị quyết bãi bỏ và thành lập các Ủy ban Quốc hội, Nghị quyết về cơ cấu Ủy viên Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra cần liệt kê cụ thể về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự tại Kỳ họp bất thường.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành công tác nhân sự - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Giải trình về các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng vốn của doanh nghiệp, là vấn đề quan trọng, liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng 2025. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉnh lý dự án luật để trình Quốc hội.

Về luật Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đưa ra nguyên tắc lớn còn các nội dung cụ thể sẽ đưa vào các nghị định sau.

"Chính phủ rất quyết tâm và tin tưởng trình dự án luật theo quy định" - Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành công tác nhân sự - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh

Về Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, Chính phủ đang cho ý kiến tại cuộc họp vào sáng nay.

Về Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết qua rà soát đến nay có 5.026 văn bản liên quan. Theo Tổ biên tập, không cần phải có các quy định đặc thù mà đưa ra nguyên tắc chung với mục đích hệ thống hoạt động thông suốt không bị gián đoạn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cũng cam kết sẽ trình dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) kịp tiến độ với chất lượng cao nhất.

Báo cáo Bộ Chính trị về những nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh từ nay đến khi diễn ra kỳ họp chỉ còn khoảng 1,5 tháng (trong đó có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày), tại Kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18... Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức phải thực hiện khẩn trương, chuẩn bị các điều kiện cho kỳ họp; làm việc ngày đêm, kể cả thứ bảy, chủ nhật để cụ thể các nội dung của Kỳ họp.

"Khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết thì Quốc hội phải thể chế hóa các Nghị quyết đó để triển khai trong việc sắp xếp bộ máy", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 9 tập trung vào sửa đổi các luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy như Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Toàn bộ các nội dung dự kiến trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tài liệu; đối với một số nội dung bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 cần chuẩn bị sớm, đầy đủ, đảm bảo chất lượng.

Về thời gian Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra trong 4,5 ngày nhưng có thể thay đổi linh hoạt để giải quyết hết những nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các dự án luật trình tại Kỳ họp; các cơ quan của Quốc hội phối hợp bám sát để theo dõi tiến độ thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết ngay sau khi có Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội giao Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng xây dựng báo cáo để báo cáo Bộ Chính trị về những nội dung trình tại Kỳ họp bất thường trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước