Kỳ họp thứ 4 dự kiến xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết
Sáng 12/7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến Quốc hội làm việc 22 ngày theo hình thức họp tập trung cả kỳ; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình, báo cáo.
Cụ thể, Quốc hội dành 10,5 ngày cho công tác lập pháp, trong đó xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật.
Quốc hội dự kiến làm việc về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác trong 9,5 ngày, bao gồm:
- Xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
- Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022.
- Xem xét báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.
- Xem xét báo cáo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3.
- Tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".
- Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
- Xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp.
- Xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).
- Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).
- Các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Quốc hội cũng sẽ dành 1 ngày cho các hoạt động: Phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, thông qua một số luật, nghị quyết.
Ông Bùi Văn Cường cũng cho biết, theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội 2 nội dung tại Kỳ họp thứ 4:
(1) Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, các chính sách phòng, chống dịch COVID-19;
(2) Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm. Đây là những nội dung quan trọng, cần được xem xét, đánh giá để đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, do đó Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí Quốc hội thảo luận 2 nội dung nêu trên.
Tổ chức các tọa đàm, hội thảo về các dự án luật trình Quốc hội
Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 9/2022 để cho ý kiến về một số dự án luật có nhiều ý kiến khác nhau…
Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm tiến độ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 9/2022, tại phiên họp tháng 10/2022 chỉ cho ý kiến đối với những nội dung thật sự cần thiết.
Phát biểu tại phiên họp, về kết quả Kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là sau kỳ họp đã ban hành nhanh chóng các văn bản, Nghị quyết. Tuy nhiên, để kết quả đi vào thực chất, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cần tăng cường hơn nữa và khẩn trương tổ chức, triển khai, giám sát để đảm bảo thành công trên thực tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Cơ bản đồng ý với báo cáo bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan hữu quan cần chủ động chuẩn bị ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, cần tổ chức các tọa đàm, hội thảo về các dự án luật trình Quốc hội; sớm trình kế hoạch Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đồng thời nghiên cứu tổ chức đồng thời 2 hội nghị để các đại biểu đăng ký tham dự, qua đó tranh thủ được nhiều ý kiến của các đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhất là với dự án rất khó như dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu hoàn tất báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phi để báo cáo Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội sớm chuẩn bị các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết vào tháng 8 cũng sẽ diễn ra hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, cần đảm bảo rà soát các khâu kỹ thuật, phương tiện thông tin, hậu cần và công tác truyền thông để làm tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!