Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội dự bế mạc kỳ họp. (Ảnh: TTXVN)
Sau 9 ngày làm việc liên tục, khẩn trương và trách nhiệm rất cao trước cử tri và nhân dân cả nước, chiều 28/7, Kỳ họp thứ nhất - kỳ họp mang dấu ấn bản lề giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và XV - kỳ họp có ý nghĩa tạo tiền đề, động lực cho hoạt động toàn khóa của Quốc hội khóa XV đã bế mạc và thành công tốt đẹp.
Có thể nói, đây là kỳ họp đặc biệt trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, để lại những dấu ấn đặc biệt, khắc họa đậm nét hình ảnh Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức thành công rất tốt đẹp.
Đây là kỳ họp có vai trò đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm ở các địa phương trong cả nước.
Tất cả hệ thống chính trị, người dân đều vào cuộc, tích cực triển khai công tác phòng, chống đại dịch trong đợt bùng phát lần thứ tư này. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã liên tục có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, thể hiện đậm nét sự năng động, đổi mới, tất cả đều vì nhân dân.
Nhiều phương án trong bối cảnh dịch bệnh
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xuất hiện trên diện rộng, ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, đúng vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất, công tác y tế, bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu đúng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Tăng cường cảnh giác ở mức độ cao nhất, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ họp".
Chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp thứ nhất, lên phương án, kế hoạch cụ thể phòng, chống dịch COVID-19 theo tình hình thực tế.
Văn phòng Quốc hội đã có công văn đề nghị đến các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với Sở Y tế địa phương triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đại biểu Quốc hội, các thành viên phục vụ chưa tiêm vaccine, đồng thời phối hợp với Sở Y tế địa phương triển khai xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ đại biểu Quốc hội và thành viên phục vụ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến 16h ngày 16/7, đã có 435/499 đại biểu Quốc hội được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đại biểu phải thực hiện nghiêm quy định: Không tổ chức giao lưu, không rời khỏi nơi cư trú và nơi họp Quốc hội.
"Về nguyên tắc, người ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 khi về Hà Nội (nếu là công dân bình thường thì phải cách ly) nhưng đối với các đại biểu Quốc hội, khi đã xét nghiệm, có kết quả âm tính, đã tiêm vaccine thì được về dự họp bình thường. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19", ông Bùi Văn Cường cho hay.
Văn phòng Quốc hội đã bố trí các đoàn này ở riêng khách sạn. Các đại biểu này khi đến Hội trường Nhà Quốc hội để họp đi bằng phương tiện riêng. Khi vào trong hội trường cũng đi lối riêng và ngồi trong hội trường ở khu vực riêng.
Đồng thời có các phương án dự phòng, nếu phát hiện những đại biểu có biểu hiện như ho, sốt, khó thở... sẽ có phòng họp riêng để cách ly nhưng vẫn được tham dự đầy đủ tất cả các nội dung của kỳ họp và vẫn thực hiện các nhiệm vụ bỏ phiếu như bình thường.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho việc xét nghiệm, kiểm tra y tế sẽ tiến hành thường xuyên. Các đại biểu ở các địa phương đang thực hiện giãn cách, sau khi xét nghiệm 3 lần ở địa phương, khi về họp Quốc hội vẫn sẽ tiếp tục xét nghiệm 2 lần nữa để bảo đảm thật sự an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Ảnh: TTXVN)
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng bố trí trang thiết bị hiện đại nhất, như máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở, thành lập Bộ Chỉ huy trực thường xuyên để giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm an toàn cho kỳ họp.
Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội còn lên phương án di chuyển đối với các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố phía Nam; tiến hành xét nghiệm, sàng lọc COVID-19 nhiều lần cho các phóng viên theo dõi đưa tin về kỳ họp; thay đổi cách thức việc cho phóng viên tham dự các cuộc họp tổ, phỏng vấn đại biểu Quốc hội... với mục tiêu cao nhất để bảo đảm an toàn cho kỳ họp.
Những quyết đáp đặc biệt
Kỳ họp thứ nhất diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất nhanh và phức tạp. Dựa trên tình hình thực tế, Quốc hội đã quyết định rút ngắn 3 ngày làm việc so với chương trình đã được thông qua đầu Kỳ họp, 8 ngày so với dự kiến ban đầu dù khối lượng công việc không giảm.
Các đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, đã làm việc cả ngày Chủ nhật và ngoài giờ (sau 17h và sau 11h30 hàng ngày) để bảo đảm việc rút ngắn chương trình nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của Quốc hội.
Trong chưa đầy 2 ngày, với một quy trình đặc biệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các cơ quan của Chính phủ đã làm việc chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội chuẩn bị Tờ trình, báo cáo thẩm tra về một số đề xuất tăng cường phòng, chống dịch COVID- 19 để bổ sung vào chương trình kỳ họp và quyết nghị trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất, trong đó có quy định về những giải pháp quyết liệt, cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, đây là trường hợp đặc biệt trong tình huống cấp bách, nên việc giải quyết cũng theo trình tự rút gọn, đặc biệt.
Theo đó, về cách làm, đêm 23/7, khi Chính phủ có Tờ trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc ngay trong đêm để thẩm tra.
Nội dung này cũng đã được Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo của một số bộ của Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, chiều 24/7, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đọc báo cáo thẩm tra tại hội trường Quốc hội, làm căn cứ để các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến khi thảo luận cùng với các nội dung kinh tế - xã hội được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Ảnh: TTXVN)
Nội dung dự thảo Nghị quyết đã được đọc công khai tại phiên bế mạc kỳ họp, phát thanh, truyền hình trực tiếp tới đồng bào, cử tri cả nước trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua để chuyển tải đến nhân dân, cử tri cả nước thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội về quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.
Bên hành lang Quốc hội, việc Quốc hội rút ngắn thời gian họp cũng như bổ sung vào Nghị quyết chung của Quốc hội khóa XV nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao, đồng thời khẳng định đây là quyết sách kịp thời, linh hoạt và quyết đoán của Quốc hội...
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nhận định đây là động thái rất kịp thời của Quốc hội đồng hành với Chính phủ trong phòng, chống dịch; đồng hành với nhân dân trong bảo vệ sức khỏe, tính mạng và phục hồi kinh tế.
Theo Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), "đây là sáng kiến lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" bởi Tờ trình của Chính phủ không đưa vào Nghị quyết nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 nhưng trước diễn biến của dịch bệnh và các yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi với Chính phủ và "một quy trình đặc biệt" đã được triển khai.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) thì khẳng định việc rút ngắn thời gian kỳ họp là hết sức cần thiết để tiết kiệm thời gian, công sức, vật chất, dồn lực cho việc chống dịch.
Tại kỳ họp này, ông Bùi Văn Cường cho biết đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội bố trí phòng họp trực tuyến, phục vụ lãnh đạo các địa phương họp trực tuyến với tỉnh, thành phố của mình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa phương trong thời gian kỳ họp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tất cả cho thấy Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Với những quyết sách quyết liệt và kịp thời thể hiện sự đồng hành sát sao của Quốc hội với Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tạo hình ảnh sâu đậm về một Quốc hội chủ động thích ứng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích cao nhất của đất nước, của nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!