Kỳ họp lần này sẽ diễn ra trong 21 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 15/11. Vì là kỳ họp cuối năm, có công việc lớn cần được xem xét quyết định nên đây cũng là kỳ họp dành được sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Riêng phần công tác lập pháp cũng khá nặng nề.
Cụ thể, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét 14 dự án luật, trong đó dự kiến thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến lần đầu vào 7 dự án luật.
Tiếp nối tinh thần đổi mới, chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm từ xa của nhiệm kỳ trước và của các kỳ họp trước, nhiều dự án luật đã được lấy ý kiến đóng góp nhiều lần tại các hội thảo, thẩm tra đi thẩm tra lại. Điều này hết sức quan trọng khi các dự án luật lần này đều lớn, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức, trong đó có Luật Đất đai sửa đổi.
Chiều 26/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Liên tiếp sau đó là các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lấy ý kiến về dự thảo luật này. Đây chỉ là một trong 13 luật quan trọng, có sức tác động lớn đến xã hội sẽ được thảo luận tại kỳ họp quốc hội lần này.
Chuẩn bị từ sớm, từ xa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trong công tác xây dựng pháp luật, sự đổi mới này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này.
Đổi mới hoạt động giám sát tối cao
Không chỉ công tác lập pháp, Quốc hội cũng tiến hành giám sát tối cao và quyết định những công việc quan trọng của đất nước.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, quyết định nhiệm vụ, mục tiêu giải pháp phát triển kinh tế xã hội cho năm 2023; xem xét đề xuất của Chính phủ về chủ trương tăng lương cơ sở. Đây là một sự động viên lớn cho cán bộ công chức viên chức khi sau 3 năm không được tăng lương và cùng cả nước dồn lực cho việc phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao về tình hình thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Một điểm rất mới lần này là các nhóm vấn đề được chọn để chất vấn cũng đã được lên kế hoạch sớm. Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại không khí mới cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - một nội dung luôn dành được sự quan tâm của cử tri tại các kỳ họp của Quốc hội
Theo thông tin tại buổi họp báo về kỳ họp, các nhóm vấn đề được chọn để chất vấn lần này đã được xin ý kiến ngay trước khi kỳ họp diễn ra thay vì trong kỳ họp như trước đây. Khi chọn càng sớm, việc chuẩn bị chất vấn sẽ tốt hơn, cả cho đại biểu và cả cho thành viên chính phủ.
Còn đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc đổi mới cách thức giám sát cũng được Quốc hội đẩy mạnh.
Nhiều kỳ vọng gửi tới Quốc hội
Kỳ họp lần này đã được rút ngắn còn 21 ngày làm việc nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành các nội dung đã đề ra. Có thể thấy, đây là một nỗ lực rất lớn cùng sự chuẩn bị tích cực, chủ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Cử tri đang đặt nhiều kỳ vọng về những thảo luận, quyết sách của gần 500 đại biểu sẽ có mặt tại Hội trường Diên Hồng vào ngày 20/10.
Đây là kỳ họp thứ 4 của Quốc hội nhưng là kỳ họp thứ 2 mà gần 500 đại biểu Quốc hội được họp tập trung. Vào giai đoạn năm 2021 và đầu năm 2022, tuy trong bối cảnh dịch bệnh nhưng Quốc hội đã đều đưa ra được những quyết sách rất đúng và trúng.
Ví như Nghị quyết 30 cho phép Chính phủ áp dụng các biện pháp chưa được luật định để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, cấp bách của công tác phòng, chống dịch; Nghị quyết 43 hay chính là gói phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Đến kỳ họp này, dịch bệnh đã qua, mọi việc trở lại bình thường thì rất cần sự vào cuộc khẩn trương hơn, rốt ráo hơn của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục có một kỳ họp đổi mới, đưa ra các quyết sách đúng đắn, góp phần làm nên thành công của kỳ họp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!