Kỷ niệm 160 năm danh xưng Nho Quan

Theo Báo Chính phủ-Thứ hai, ngày 28/11/2022 05:56 GMT+7

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng các đại biểu dự Kỷ niệm 160 năm danh xưng Nho Quan - Ảnh: VGP/Hải Minh

VTV.vn - Tối 27/11, Huyện ủy, UBND, HĐND, Mặt trận Tổ quốc huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 160 năm danh xưng Nho Quan (1862-2022).

Dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo con em quê hương, nhân dân các dân tộc và du khách cùng tham dự.

Miền đất cổ góp phần tạo nên Quốc gia Văn Lang

Trong diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Nho Quan Đặng Xuân Nguyên cho biết, Nho Quan ngày nay vẫn được nhắc đến như là "miền đất cổ" với nhiều dấu ấn trầm tích của lịch sử cùng những di chỉ khảo cổ được phát hiện tại Động Người Xưa, cho thấy đã có sự xuất hiện của con người trên mảnh đất này từ thời cổ đại cách đây trên 7.000 năm.

Những di chỉ khảo cổ thu được từ kết quả khai quật tại xã Gia Thủy và nhiều khu vực trên địa bàn huyện đều mang đặc trưng của thời Đông Hán và có niên đại thuộc thế kỷ thứ Nhất, thứ Hai sau Công nguyên… đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng khoa học chứng minh Nho Quan là một trong những vùng đất đã góp phần tạo dựng nên Quốc gia Văn Lang, Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam vào giữa thế kỷ thứ Ba trước Công nguyên.

Đầu thế kỷ thứ 10, trong nước loạn 12 sứ quân, Nho Quan có 2 tướng Lê Du và Lê Chương cùng với Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn thống nhất giang sơn lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, khi đó Nho Quan là địa bàn quan trọng, nơi tiếp ứng lương thảo và là nơi canh phòng bảo vệ vững chắc kinh thành.

Trong các giai đoạn tiếp theo, Nho Quan luôn có một vị trí chiến lược quan trọng, là nơi hậu cứ, cất giấu quân lương, là điểm xuất phát tiến công chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược.

Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử cùng sự thay đổi về địa giới hành chính, vùng đất Nho Quan đã có nhiều tên gọi khác nhau: Thời nhà Đinh thuộc Phủ Tràng An; dưới thời nhà Lý gọi là Phủ Trường Yên; đến triều Trần đổi là Trấn Thiên Quan; năm Quang Thái thứ 10 đổi là Phủ Thiên Quan và đến Triều Nguyễn, năm Tự Đức thứ 15 (1862) đổi thành Phủ Nho Quan - tên gọi "Nho Quan" với ý nghĩa là vùng đất nho nhã, văn hiến bắt đầu từ đó.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Nho Quan tự hào là nơi có tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình với sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 9/1927 và Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 24/6/1929 tại thôn Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu; năm 1938.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất đã được tổ chức tại thôn Đồi Dâu, xã Sơn Lai do đồng chí Đinh Tất Miễn, người con ưu tú của quê hương Nho Quan làm Bí thư.

Đặc biệt tháng 2/1947, Nho Quan vinh dự được đón Bác Hồ về dự và chủ trì Hội nghị Điền chủ tại thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong để giúp đỡ đồng bào tản cư và kêu gọi nhân dân đoàn kết trường kỳ kháng chiến.

Kỷ niệm 160 năm danh xưng Nho Quan - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong những năm qua - Ảnh: VGP/Hải Minh

Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi

Nho Quan nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Bình, tiếp giáp với các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, TP. Tam Điệp; huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa); huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình).

Địa hình Nho Quan được hình thành 3 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi, vùng bán sơn địa và vùng đồng chiêm trũng, được kết hợp hài hòa giữa rừng núi, sông, hồ, với diện tích tự nhiên 458 km2, dân số trên 152.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17%; đồng bào theo Đạo Công giáo chiếm 18%.

Người Kinh, Mường, lương, giáo tuy có khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, nhưng từ sớm đã hòa vào nhau tạo thành một khối đoàn kết thống nhất.

"Miền đất cổ Nho Quan" với lịch sử danh xưng 160 năm còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Động Vân Trình, hang Bụt, Động Thiên Hà, Hồ Đồng Chương; Suối nước khoáng Cúc Phương, núi non và hệ thống các hang động, sông hồ kỳ vĩ, nên thơ, gắn liền với các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống luôn được bảo tồn và phát huy, nhất là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Những lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa, lịch sử là tiền đề quan trọng hình thành và phát triển các khu du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao nổi tiếng như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Cúc Phương; khu du lịch sinh thái cao cấp Vedana; Sân golf Tràng An; Khu du lịch tâm linh Phủ Đồi Ngang…

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vùng đất Nho Quan còn sinh ra và tôi luyện nhiều chiến sĩ cách mạng tiền bối, nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc như: Lương Văn Thăng, Đinh Tất Miễn, Hà Thị Quế; liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lương Văn Tụy… cùng nhiều tấm gương anh hùng trong lao động, sản xuất, nhiều trí thức tiêu biểu, đã đóng góp công sức, trí tuệ giữ gìn và phát huy truyền thống của người Nho Quan trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Kỷ niệm 160 năm danh xưng Nho Quan - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực trao bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan - Ảnh: VGP/Hải Minh

Nho Quan có bước tiến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, kỷ niệm 160 năm Danh xưng Nho Quan và đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là dịp để Đảng bộ và nhân dân huyện Nho Quan ôn lại chặng đường vẻ vang đã qua, đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm đưa Nho Quan phát triển ngày càng nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.

Phó Thủ tướng Thường trực chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong những năm qua.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi tỉnh Ninh Bình được tái lập tháng 4/1992 đến nay, Nho Quan phát triển về mọi mặt, đạt nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2021 đạt 52,5 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo năm 2020 chỉ còn 1,16%, giảm hơn 10 lần so với năm 2011.

Đặc biệt, Nho Quan là một trong những địa phương có bước tiến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới. Sau 10 năm thực hiện chương trình, đến nay 100% các xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng", nhân dân các xã trong huyện và con em Nho Quan ở các nơi đã hiến, góp trên 54 ha đất thổ cư, đất 313, tự nguyện phá dỡ hàng nghìn công trình, tường rào; đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, xóm, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn môi trường.

Với những thành tích đạt được, huyện Nho Quan đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (ngày 02/6/2022) và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan cần khai thác và phát huy một cách hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Nho Quan anh hùng, nhất là lợi thế nằm ở vị trí trung chuyển của phía Tây Nam đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ quan trọng của tỉnh Ninh Bình trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc bộ và Khu 4 cũ.

Huyện cần tiếp tục xác định động lực phát triển của Nho Quan là công nghiệp sạch, nông nghiệp có năng suất và giá trị kinh tế cao; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch văn hóa, tâm linh gắn vùng đệm vườn Quốc gia Cúc Phương; từng bước xây dựng Nho Quan trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.

Các cấp, các ngành của huyện Nho Quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, thực sự coi trọng chất lượng và hiệu quả; đồng thời, quan tâm nâng cao các tiêu chí để xây dựng huyện Nho Quan thành huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Trong phát triển kinh tế -xã hội, Nho Quan phải hết sức quan tâm quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, coi trọng bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho mỗi người dân trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Coi trọng phát triển giáo dục-đào tạo, tập trung phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm nhiều hơn nữa cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục phát huy truyền thống "uống nước, nhớ nguồn", chăm lo thật tốt cho các gia đình chính sách, người có công. Tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Các cấp, các ngành của tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan phải hết sức quan tâm củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; giải quyết tốt những vấn đề an ninh phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành "điểm nóng", bảo đảm ổn định để phát triển kinh tế-xã hội.

Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng phục vụ nhân dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương - giáo, bảo đảm bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, tiến bộ.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, với tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết tâm mới, để xây dựng quê hương Nho Quan ngày càng giàu mạnh, phát triển ngày càng nhanh và bền vững hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân của tỉnh Ninh Bình và của cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước