"Lãng phí về niềm tin nguy hiểm hơn lãng phí tiền bạc"

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 01/06/2023 16:44 GMT+7

Đại biểu Đào Hồng Vận (tỉnh Hưng Yên)

VTV.vn - Đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận chỉ ra tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, không thể đưa vào hoạt động gây lãng phí, thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Chậm triển khai dự án gây mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước

Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 1/6, đại biểu Đào Hồng Vận (tỉnh Hưng Yên) cho biết, cùng với chống tham nhũng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả khách quan, tiến bộ.

Tuy nhiên, đại biểu Đào Hồng Vận nhận thấy, báo cáo mới chủ yếu tập trung tổng hợp, đánh giá công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực công là chính, còn trong lĩnh vực tư có đề cập nhưng còn khiêm tốn, chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết thực trạng những khó khăn, hạn chế cũng như đề ra được giải pháp khắc phục.

Theo đó, vẫn còn chậm trễ, hạn chế, vướng mắc về một số chính sách không tốt trong công tác quy hoạch, kế hoạch, trong hoạt động công vụ của bộ máy. Mặc dù các vấn đề này đã được quan tâm khắc phục và có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn đang ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp ở một số nơi, một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận chính sách.

Vẫn còn khó khăn, chậm trễ trong việc triển khai đầu tư dự án. Nhiều dự án đang hoàn thành đầu tư nhưng không thể đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh được, dẫn đến gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, gây lãng phí cho xã hội, ít nhiều làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Đào Hồng Vận nhấn mạnh: "Ở đây chúng ta không chỉ gây lo lắng về lãng phí mang tính vật chất và tiền bạc mà nguy hiểm hơn là lãng phí về niềm tin".

ĐBQH tỉnh Hưng Yên ví dụ như các dự án điện tái tạo và một số dự án khác mà báo chí và nhiều ĐBQH đã nêu. Đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị trong Báo cáo cần tổng hợp, đánh giá kỹ về những vấn đề này và từ đó phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cần coi tăng lương là đầu tư vào con người, tránh lãng phí nguồn nhân lực

Cũng tại phiên thảo luận, đề cập vấn đề lao động, đại biểu Nguyễn Văn Thân (tỉnh Thái Bình) cho rằng đây là 1 trong 3 trụ cột cho phát triển nhưng hiện nay chúng ta còn lãng phí nguồn nhân lực. Chỉ tiêu năng suất lao động đều nhiều năm không đạt.

"Chúng ta phải kiểm điểm xem xét lại năng suất lao động ở mức nào? Do đâu? Có phải do người lao động, cán bộ công nhân viên chức không chịu làm việc hay do quản lý? So với các nước xung quanh thì năng suất lao động của nước ta ở mức rất thấp, gần như là cận dưới. Đây là nguồn lực cực kỳ lớn mà chúng ta đang bỏ qua" – ông Thân nêu ra vấn đề.

Lãng phí về niềm tin nguy hiểm hơn lãng phí tiền bạc - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (tỉnh Thái Bình)

Đại biểu đề nghị đối với cán bộ, công chức, viên chức cần quan tâm đến cơ chế tăng lương. Nên coi tăng lương là đầu tư vào con người, không thể để có tư tưởng trả lương như nào thì làm việc như thế, thậm chí có thể đi vay để tăng lương. Nếu không nguồn nhân lực ấy bỏ sẽ ra ngoài làm, mất đi nguồn lực.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng nêu những lãng phí như chậm giải quyết xử lý trong 12 dự án đắp chiếu hay tồn dư ngân sách nhà nước lớn để trong ngân hàng mà không được sử dụng, quay vòng, trong khi doanh nghiệp đang thiếu tiền, nhiều dự án đầu tư công thiếu vốn, còn nước ta vấn phải đi vay.

Đại biểu đề nghị cần có giải thích, làm rõ những vấn đề này và cần phải sử dụng nguồn ngân sách tồn dư này trên cơ sở cân đối của Chính phủ chứ không thể để tiền trong Kho bạc Nhà nước và gửi ngân hàng.

Trước đó, phát biểu tranh luận tại nghị trường Quốc hội về vấn đề tăng lương vào sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (TP Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề.

"Nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp trên thế giới" – ông Nguyễn Trúc Anh cho biết.

Đại biểu phân tích, ngoài tăng lương có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động, như được cung cấp bằng chính sách nhà ở xã hội, con cái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ.

Những giải pháp này đã được một số nước trên thế giới đang áp dụng và cũng là chính sách ưu đãi thu hút nhân lực vào khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao trong khi tăng lương khó có thể gánh vác hết.

Tăng lương bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam còn thấp? Tăng lương bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam còn thấp?

VTV.vn - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh cho rằng cần có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân lực vào khu vực công, tăng năng suất lao động ngoài việc tăng lương.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước