Lập BCĐ phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương để 'trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt’

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 07/05/2022 12:37 GMT+7

VTV.vn - Nếu được Trung ương thông qua, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có thể coi là một bước tiến của Đảng trong công tác này.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho Tỉnh uỷ, Thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (gồm: Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hoà). Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 Tỉnh uỷ, Thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần tôi đã nhiều lần nói là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".

Lập BCĐ phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương để trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt’ - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên, dư luận từng có thời kỳ bức xúc về tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong xử lý tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương. Do đó, để "trên nóng, dưới cũng phải ấm dần lên" thì việc thành lập BCĐ cấp tỉnh là hết sức cần thiết. Từ thực tiễn cũng cho thấy, khi Thường trực cấp ủy, nhất là người đứng đầu - Bí thư cấp ủy thực sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, nhiều vụ án, việc việc nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn cũng sẽ được xử lý. Và như vậy, càng củng cố được niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nghiêm minh trong xử lý sai phạm

Mới đây, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án đối với 7 bị cáo là nguyên là lãnh đạo thuộc khối UBND tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bị tuyên phạt mức án 5 năm 6 tháng tù.

Hai bị cáo: Lê Đức Vinh và Đào Công Thiên, là cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh đều có mức án 4 năm 6 tháng tù do vi phạm về các quy định trong quản lý đất đai.

Lập BCĐ phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương để trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt’ - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại phiên tòa xét xử. Ảnh: TTXVN

Đánh giá về xử lý sai phạm trên, Đại tá Nguyễn Văn Á - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa cho hay: "Việc đưa ra xét xử là cần thiết để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, của Đảng, không bao che, dung túng".

Để khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", các cơ quan chức năng của Khánh Hòa gần đây đã đẩy mạnh chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề, vụ việc phức tạp phát sinh trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ án được điều tra, làm rõ ở địa phương này đạt 89,6%, trong đó án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 94%.

Ông Lữ Thanh Hải - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Ban Nội chính đã phối hợp với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự Viện KSND tỉnh, rà soát tất cả các vụ việc sai phạm và có liên quan đến các dự án trên địa bàn, kịp thời tham mưu chính xác cho Thường trực Tỉnh ủy với tinh thần nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật. không bỏ oan, cũng không để lọt tội phạm, rõ đến đâu xử đến đấy".

Công tác phát hiện và xử lý tiêu cực, sai phạm tại một số địa phương vừa qua đã khắc phục được nhiều tồn tại, vướng mắc và được tiến hành khẩn trương, quyết liệt hơn, tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm được đẩy nhanh. Nhờ đó, kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số địa phương đạt dược những tiến bộ rất rõ rệt, dần khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Tại Quảng Ninh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 6 vụ việc được chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

"Chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra giám sát do đó mà các phát hiện nhiều vụ việc. Số tổ chức Đảng và đảng viên được xử lý và kỷ luật tăng lên. Đặc biệt là công tác điều tra truy tố xét xử các vụ án tham nhũng đặc biệt được quan tâm chỉ đạo nên số vụ án mà phát hiện và xử lý cũng tăng hơn so với trước", ông Vũ Xuân Diện - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ninh nói.

Khắc phục tình trạng "quyền anh, quyền tôi"; giải quyết tham nhũng, tiêu cực từ sớm ngay tại địa phương

Rõ ràng, nếu được tổ chức một cách bài bản, khoa học, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy rõ trách nhiệm và chính các cơ quan này tham gia phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, thì tình trạng "quyền anh, quyền tôi" được khắc phục. Và chắc chắn cũng giống như mô hình của BCĐ Trung ương, hoạt động của BCĐ tại cấp tỉnh sẽ đạt kết quả, nhất là khi mà tham nhũng, tiêu cực được giải quyết từ sớm và tại chỗ.

Ông Đặng Bá Cường - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng cho biết: "Hiện nay, giữa các cơ quan nội chính - tư pháp cấp tỉnh thường xây dựng các quy chế phối hợp song phương giữa hai cơ quan với nhau và do Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành, tuy nhiên, điều này lệ thuộc vào mỗi địa phương tùy theo điều kiện hoàn cảnh của mỗi địa phương để vận dụng cho nên có những quy chế đảm bảo tính hiệu quả thiết thực nhưng bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những trường hợp quy chế còn mang tính hình thức chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu phối hợp nhưng khi thành lập BCĐ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng tiêu cực thì sẽ có quy chế do Trung ương ban hành đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ"

"Đối với phòng chống tham nhũng, cơ quan ấy phải là cơ quan thực quyền, có quyền lực, không có quyền lực thì chống thế nào được, vì lực lượng tham nhũng rất có thế lực, có dây dợ với nhau, nó có thể ngăn chặn, vô hiệu hóa, trả thù người chống tham nhũng. Trên thế giới cũng thế, cơ quan đó phải rất thực quyền mới làm được. Địa phương là phạm vi hẹp, nào là quen biết nhau, nào là quan hệ này kia. Có đáp ứng yêu cầu không thì phải tổ chức rất khéo việc này", GS.TS Phân Xuân Sơn - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận vấn đề.

Lập BCĐ phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương để trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt’ - Ảnh 3.

Nếu được Trung ương thông qua, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có thể coi là một bước tiến của Đảng trong công tác này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng: "Khi có Ban chỉ đạo rõ ràng, có địa chỉ cụ thể, có con người cụ thể và xác định rõ trách nhiệm cụ thể cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và có cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và có lực lượng chuyên trách phối hợp với nhau dưới sự lãnh đạo trực tiếp của BCĐ mà đồng chí Bí thư cấp ủy là trưởng ban, như vậy là trách nhiệm được xác định rõ hơn".

"Tôi cho rằng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc chiến chống tham nhũng, số 1 phải là con người. Cho nên thành lập BCĐ cấp tỉnh cần cân nhắc về người đứng đầu, phẩm chất năng lực của người đứng đầu. Đấy là vấn đề quan trọng. Nếu không kiểm soát được nhân sự chủ chốt nắm giữ BCĐ thì cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương sẽ không có ý nghĩa", ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nêu quan điểm.

Quyết tâm tạo bước đột phá về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi phải có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới các địa phương, đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Do đó, nếu được Trung ương thông qua, có thể coi việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục là một bước tiến của Đảng trong công tác này.

Dù rằng, vừa qua đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng và tích cực, thế nhưng, với tinh thần "không ngừng, không nghỉ", "không chủ quan, thỏa mãn", Đảng vẫn nhận định: Tham nhũng, tiêu cực ở một số lĩnh vực vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Đây vẫn là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đặt ra yêu cầu cao hơn và hành động quyết liệt hơn đối với công tác này, sẽ giúp cho Đảng và cả hệ thống chính trị thêm trong sạch, vững mạnh, xứng đáng hơn với niềm tin của nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương và ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cùng bàn luận để làm rõ hơn vấn đề trên trong chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 7/5. Mời quý độc giả theo dõi video:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước