Người dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã chính thức tiếp cận và tham gia góp ý với dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ý nghĩa; thể hiện tinh thần dân chủ, nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tham gia vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước và góp phần nâng cao chất lượng văn kiện trình Đại hội. Các chuyên gia đánh giá, dự thảo các văn kiện lần này có rất nhiều điểm mới và điểm nhấn quan trọng, xuất phát từ bối cảnh, tình hình hiện nay.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII có nhiều điểm mới
Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII không chỉ đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà còn đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, dự thảo không chỉ đề ra mục tiêu, định hướng cho 5 năm, 10 năm mà còn đưa ra tầm định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045. Dự thảo lần này cũng nhấn mạnh đến "khát vọng phát triển đất nước".
"Đây là một yếu tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào? Sau khi cân nhắc toàn diện, Tiểu ban Văn kiện mới đây đã báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân" - GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết.
Về 3 đột phá chiến lược của Đại hội lần thứ XI, XII vẫn còn nguyên giá trị nhưng Dự thảo văn kiện lần này cũng đã bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
So với các văn kiện trình Đại hội XII, từ tiêu đề đến các phần nội dung, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đều có những nội dung mới thể hiện bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng. Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, dự thảo văn kiện lần này đã có bước phát triển về phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Bên cạnh cơ chế dân chủ, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra như trước đây, dự thảo còn thêm nội dung "dân giám sát và dân thụ hưởng". Cùng với đó, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều có nhiều điểm mới trong việc xác định đột phá chiến lược.
Quan điểm của Đảng là chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo về vấn đề văn kiện. Vì thế, việc xây dựng dự thảo đã diễn ra trong suốt 2 năm qua với sự chuẩn bị công phu, tinh thần nghiêm túc, cách làm bài bản, khoa học và cầu thị.
Công phu trong xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội XIIII
- Tháng 10/2018: Hội nghị Trung ương VIII quyết định thành lập 5 tiểu ban: Văn kiện, Kinh tế - Xã hội, Điều lệ Đảng, Nhân sự, Tổ chức.
- Tháng 5/2019: Hội nghị Trung ương X thảo luận cho ý kiến vào dự thảo các đề cương chi tiết văn kiện trình Đại hội XIII. Sau hội nghị, các tiểu ban hoàn thiện dự thảo đề cương chi tiết, tiến hành khảo sát một số địa phương, cơ quan, đơn vị và cả trên thế giới. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, sau đó tiến hành xây dựng dự thảo các văn kiện.
- Tháng 10/2019: Hội nghị Trung ương XI đã thảo luận, cho ý kiến vào toàn văn dự thảo các văn kiện. Sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh, tháng 2/2020, bản tóm tắt dự thảo được gửi cho đại hội cấp cơ sở. Bản toàn văn được gửi cho Đại hội cấp trên cơ sở vào tháng 4/2020.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, đại dịch COVID-19 rồi khủng hoảng kinh tế và suy thoái kinh tế toàn cầu đã bất ngờ xảy ra, tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, đòi hỏi dự thảo các văn kiện phải cập nhật, phân tích, đánh giá lại tình hình, điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp với thực tế. Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc cập nhật tình hình và tiếp thu các ý kiến.
- Tháng 10/2020: Hội nghị Trung ương XIII đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo sau khi được cập nhật tiếp thu. Ngày 20/10, toàn văn các dự thảo được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
- Sau đợt lấy ý kiến này, Tiểu ban Văn kiện sẽ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện trình Hội nghị Trung ương XIV. Hội nghị sẽ xem xét, cho ý kiến để hoàn tất chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và tổng hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII thể hiện niềm tin của người dân đối với Đảng cũng như một lần nữa khẳng định lại quan điểm luôn lấy dân làm gốc của Đảng ta. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc tổ chức lấy ý kiến thực sự hiệu quả, tránh hình thức, tiếp thu những ý kiến xác đáng, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất giữa ý đảng và lòng dân.
Tổ chức lấy ý kiến nhân dân
1. Đối tượng lấy ý kiến góp ý: Các tầng lớp nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài (chưa phải là đảng viên).
2. Thời gian lấy ý kiến: Từ ngày 20/10/2020 đến hết ngày 10/11/2020.
3. Hình thức thảo luận, góp ý:
- Người dân có thể góp ý kiến trực tiếp tại hội nghị, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thảo, tọa đàm khoa học
- Hệ thống thư, báo: Gửi thư góp ý kiến tới cấp ủy đảng các cấp và các cơ quan báo chí
- Trang tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội XIII
Khi Đảng thật tâm lắng nghe, thật lòng tiếp thu thì dự thảo các văn kiện trình Đại hội chắc chắn sẽ kết tinh được trí tuệ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân trong việc hoạch định đường lối phát triển đất nước ở những nhiệm kỳ tới, hướng tới khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!