Sáng 13/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, theo một số đại biểu Quốc hội, nhiều quy định trong dự án luật mang tính can thiệp hành chính quá sâu vào nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Quy định như vậy là không cần thiết vì hiến pháp và pháp luật hiện hành thể hiện tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo.
Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn cơ chế xin - cho trong quan hệ giữa cơ quan quản lý với tổ chức tôn giáo được quy định trong dự án Luật. Việc giới hạn các tổ chức xã hội tham gia hoạt động xã hội từ thiện vô hình chung đã hạn chế những hoạt động từ thiện, chăm sóc y tế mà các tổ chức tôn giáo đang làm rất tốt. Như vậy là trái với quan điểm của Nhà nước về san sẻ các nguồn lực cùng tham gia vào các hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Liên quan đến dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), vẫn còn có những ý kiến khác nhau xung quanh quy định nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi. Có ý kiến cho rằng, quy định trẻ em đến 16 tuổi là phù hợp với các quy định của luật hình sự và khắc phục được tình trạng tảo hôn ở một số vùng dân tộc thiếu số. Tuy nhiên, có nhóm ý kiến khác cho rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em cần được bảo vệ đến dưới 18 tuổi là cần thiết vì độ tuổi 16 đến 18 tuổi là độ tuổi dễ bị tổn thương. Hơn nữa khi tình trạng trẻ em bị bắt cóc, hiếp dâm, bạo lực cả ở gia đình và học đường đang ở mức cảnh báo, việc nâng tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi là phù hợp.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.