Các công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được khẩn trương tiến hành ở tất cả các địa phương. Tuy nhiên, để giúp cử tri nắm bắt đầy đủ thông tin về các ứng viên và ngày bầu cử không hề dễ dàng đối với những địa bàn cách trở, vùng sâu vùng xa.
Chính những địa bàn này, công tác tuyên truyền trước ngày bầu cử càng được đẩy mạnh với những cách làm rất riêng, thậm chí chỉ có ở những vùng sâu, vùng xa. Câu chuyện từ một địa bàn nằm giáp ranh giữa Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Mặt trời gần lặn, người thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa mới trở về nhà, sau một ngày đi rẫy. Ngay lúc này, Hà Ben đến từng nhà trong thôn.
Anh là trưởng thôn, dù còn trẻ nhưng có uy tín trong làng. Những gì mà Hà Ben nói ra, ai trong thôn cũng nghe. Chuyện mà Hà Ben nói với từng gia đình vẫn là ngày bầu cử 23/5, là địa điểm bỏ phiếu mà cử tri trong thôn phải đến.
Thôn Bố Lang nằm ở vùng giáp ranh giữa Khánh Hòa và Lâm Đồng. Cuộc sống của đồng bào T Rin ở đây gắn với rẫy, có khi nhiều tuần mới về nhà. Những cử tri mà Hà Ben không gặp được thì gọi qua điện thoại, nhắc nhớ về ngày bầu cử.
Gần 80% dân số ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là đồng bào dân tộc thiểu số. Miền núi này lại có nhiều khu dân cư nằm ở vùng sâu vùng xa. Không phải ai trong làng cũng biết chữ. Đây cũng là lý do mà những người có uy tín trong làng đứng ra làm công việc này. Có lẽ chỉ ở những nơi này, cử tri mới có cách rất riêng như vậy để tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên.
Vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Mong muốn cuộc sống bớt nhọc nhằn, rút ngắn khoảng cách vùng miền được người dân ở đây kỳ vọng sẽ sớm chuyển đến các đại biểu dân cử. Bởi vậy, ngay đợt bầu cử này, các cử tri thể rõ trách nhiệm và cũng là quyền lợi của mình, lựa chọn những đại biểu xứng đáng, nói lên tiếng nói của cử tri, để vùng sâu vùng xa bớt đi khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!