Theo các đại biểu, thực tế là dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn có nhiều rào cản tồn tại, gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Cũng tại phiên thảo luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội đối với đề xuất xây dựng Luật Hành chính công.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho rằng nhiều thủ tục hành chính trong thông tư của các Bộ, thậm chí trong nghị định của Chính phủ vẫn còn đặt ra không ít rào cản khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện quyền của mình.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thẩm quyền của Bộ Tư pháp chỉ dừng lại ở các thông tư và các văn bản pháp luật của Bộ, ngành, địa phương. Khi phát hiện vấn đề, Bộ chỉ có thẩm quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Do đó, ông Lê Thành Long đề nghị thực hiện cơ chế tự thi hành, các chủ thể xây dựng pháp luật nếu thực hiện với trình độ chuyên môn và trách nhiệm công vụ phù hợp sẽ hạn chế được tình trạng này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Tiếp đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đồng ý rằng điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Có trường hợp cắt điều kiện này nhưng lại "mọc" thủ tục khác hay bỏ điều kiện này nhưng chuyển sang yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nên vẫn là rào cản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Thủ tướng, vấn đề này đang được rà soát bằng cách kiểm soát ngay từ khâu dự thảo, nâng cao chất lượng cơ quan thẩm tra cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT để công khai hóa, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp giám sát.
Bà Trần Thị Quốc Khánh - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đặt vấn đề, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong công tác lập pháp, quản lý, điều hành nền hành chính và tổ chức cung ứng dịch vụ công chưa nghiên cứu, ứng dụng các luận cứ khoa học quản lý về hành chính công và dịch vụ công nên hệ thống pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng về công và tư, chồng chéo, chưa đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, quản lý tài chính công và tài sản công. Đây là nguyên nhân cốt lõi để giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn thời gian vừa qua.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho biết bao giờ thống nhất chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an hay Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, trình dự án Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa theo nghị quyết của Đảng.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tất cả các đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Khóa XIV đều nhận biết được sự kiên trì của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trong sáng kiến đề xuất xây dựng pháp luật, đó là Luật Hành chính công và sau này chuyển thành Luật Dịch vụ công.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi nhiều lần làm việc giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã trao đổi thống nhất và thấy rằng chưa thể ban hành luật này vì các lý do. Thứ nhất, các quy định về hành chính công đều đã được quy định trong từng dự án luật, trong hệ thống pháp luật chúng ta đều có các quy định thủ tục hành chính công. Thứ hai, trong dự thảo luật mà đại biểu trình bày, đã chuẩn bị thì chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm và vì thế chưa thể ban hành được, do đó chưa thể trình Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!