Ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 20/11/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Nội dung mở đầu của đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Ngày 20/11, Quốc hội sẽ tiến hành đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Nội dung mở đầu của đợt 2 là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội dự kiến sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên

Trước đó, ngày 9/11, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, đồng thời có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển nhà giáo; khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo; kế thừa các kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách nhà giáo.

Ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội gồm 9 chương, 50 điều có nhiều điểm mới. Đáng chú ý là chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên.

Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ngoài ra, đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, ông Nguyễn Đắc Vinh nhất trí với quy định trong dự thảo Luật và cho rằng đây là nội dung quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước