Ngày 22/11, theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 8, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước – doanh nghiệp – xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giảm gánh nặng bệnh tật, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đề xuất tăng thuế tiêu thụ đối với thuốc lá, với 2 phương án:
Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao.
Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Theo các chuyên gia, thuế đánh vào thuốc lá là một công cụ chính sách đặc biệt đem lại lợi ích kép, vừa làm giảm tiêu dùng thuốc lá, cải thiện sức khỏe của người dân, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh liên quan đến thuốc lá; đồng thời làm tăng nguồn thu ngân sách cho chính phủ. Lợi ích kép này đã được thừa nhận qua kinh nghiệm của một loạt quốc gia trên thế giới.
Dù tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá ở nhiều quốc gia trên thế giới, công cụ chính sách hiệu quả này hiện vẫn chưa được sử dụng đúng mức tại Việt Nam. Để giảm khả năng chi tiêu cho thuốc lá, Chính phủ cần tăng thuế mạnh mẽ hơn nữa, để sao cho ở mức tối thiểu giá thuốc lá tăng mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tăng mức thuế tuyệt đối và thuế suất tỷ lệ đủ để tiến tới mức thuế đạt ít nhất 70-75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Thuế cũng cần tăng đều liên tục qua các năm để giảm sức mua nhằm đạt mục tiêu kép giảm được mức tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng và tăng ngân sách từ thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!