Bước sang ngày làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục tiến hành công tác lập pháp.
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam
Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhận được nhiều lượt phát biểu ý kiến tại tổ, tại hội trường và có ý kiến gửi qua văn bản.
Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây viết là Cơ quan soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình, thể hiện quan điểm đối với một số ý kiến, nội dung đại biểu Quốc hội đã đặt ra tại kỳ họp thứ 7. Để bảo đảm tiến độ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ động rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật với cơ bản các nội dung của dự thảo Luật sau chỉnh lý đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, bảo đảm Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam; kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành và sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!