Quang cảnh kỳ họp thứ 11. Ảnh: TTXVN
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, trong cả ngày 26/3/2021, Quốc hội khóa XIV họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về các nội dung sau:
- Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.
- Các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Phiên họp được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 ngày 26/3.
Trước đó, ngày 24/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Báo cáo Công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp thứ 11. Ảnh: TTXVN
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội.
"Mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về những thành tựu đó cũng như những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình. Thành quả và niềm vinh dự lớn nhất đối với đại biểu Quốc hội chúng ta chính là sự ghi nhận, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành xuyên suốt của cử tri, Nhân dân trong mọi hoạt động của Quốc hội thời gian qua" - bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội khóa XIV tin tưởng rằng, những thành tựu cùng với truyền thống quý báu của 75 năm Quốc hội sẽ tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để Quốc hội khóa XV và Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Thảo luận tại tổ chiều 25/3 về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội cùng các báo cáo được trình bày tại kỳ họp lần thứ 11 vừa qua, nhiều đại biểu đánh giá cao một nhiệm kỳ Quốc hội đổi mới về tiếp cận công nghệ, lắng nghe, giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm. Góp ý cho các báo cáo, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát tối cao.
Báo cáo về Công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu rõ những kết quả hoạt động chủ yếu của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV như sau:
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.
- Tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống.
- Xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
- Mô hình tổ chức phù hợp, phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, chú trọng mối quan hệ phối hợp công tác là những nhân tố quyết định hiệu quả, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội.
Về công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới chỉ đạo, điều hành việc chuẩn bị cho 11 kỳ họp, bảo đảm việc triệu tập, tổ chức thực hiện chương trình, tổng kết kỳ họp theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế. Dự kiến chương trình kỳ họp được sắp xếp, bố trí hợp lý, gửi xin ý kiến đúng thời hạn, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc chuẩn bị các nội dung bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội.
Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, lựa chọn phương án tổ chức 2 kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung và đã diễn ra rất thành công, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. theo hình thức trực tuyến
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại 5 phiên họp, lựa chọn các nhóm vấn đề nổi cộm, bức xúc, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm; lần đầu tiên tiến hành chất vấn, giám sát lại đối với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018; giám sát 7 chuyên đề với nhiều cải tiến về cách thức tổ chức, tiến hành hoạt động của Đoàn giám sát; tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 8/2020. Qua đó đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; góp phần triển khai có hiệu quả luật, nghị quyết của Quốc hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao việc chuyển, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đối với 20.164 kiến nghị của cử tri được gửi đến trước và sau các kỳ họp Quốc hội; chỉ đạo tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý kịp thời các đơn, thư gửi đến các cơ quan của Quốc hội, yêu cầu các địa phương xem xét, giải quyết lại đối với 214 vụ việc, nhất là vụ việc phức tạp, kéo dài; tổ chức nhiều đoàn giám sát tại địa phương, các bộ, ngành và xây dựng các báo cáo để trình Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!