Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 29/10/2021 06:03 GMT+7

VTV.vn- Ngày 29/10, Quốc hội sẽ thảo luận về sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, vào sáng 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về hai nội dung này.

Đề xuất cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Trước đó, vào sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Dự thảo gồm 8 chương, 156 điều,bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Đối với nội dung về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của Luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, về nội dung doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới...

Ngoài ra, về quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.

Về cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Đối với cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19

Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện đã có tác động tiêu cực đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, tăng trưởng đạt thấp, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách bị ảnh hưởng, cả giai đoạn có 17/22 mục tiêu đạt và vượt Kế hoạch đề ra, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện; hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện; huy động vốn đầu tư phát triển tăng; quản lý nợ xấu, nợ công có nhiều tiến bộ, hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; thể chế luật pháp, kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ cấu lại nền kinh tế cũng còn những bất cập, hạn chế: việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại 3 trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng không đạt mục tiêu, 5/22 mục tiêu không đạt.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ; năng lực thị trường vốn, thị trường khoa học, công nghệ còn hạn chế; khu vực kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế; khả năng huy động, hấp thụ vốn còn thấp; công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý các dự án yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu; việc triển khai xây dựng các quy hoạch còn chậm, thể chế liên kết vùng chưa đầy đủ, hiệu quả kinh tế còn thấp; tính bền vững và khả năng thích ứng của nền kinh tế chưa cao.

Cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện để việc thực hiện Kế hoạch được thực chất, hiệu quả hơn, lưu ý một số nội dung sau:

(1) Cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp. Phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế. Có giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình thực tế để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp với kinh tế thế giới;

(2) Cơ cấu lại nền kinh tế lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Huy động và phân bổ, sử dụng hiệu quả cao mọi nguồn lực cho phát triển, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

(3) Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần rõ nét hơn về tính tổng thể và các trọng tâm, các ngành, lĩnh vực và vùng, lãnh thổ. Tập trung để hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành, gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giữ vững vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương;

(4) Kế hoạch về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 phải gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu, đầu tư công, nông nghiệp và tiêu dùng vẫn là trụ cột để tăng trưởng nên phải xác định rõ những khó khăn cần tháo gỡ, những nội dung cần cơ cấu lại;

(5) Cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường khoa học, công nghệ và thị trường lao động. Cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là vấn đề phân bổ và giải ngân đầu tư công; nâng cao chất lượng, tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư; nâng cao năng lực quản trị, điều hành các dự án đầu tư.

Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước quy hoạch vùng, quy hoạch ngành

Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025), cũng tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề sau:

(1) Thể hiện rõ quy hoạch sử dụng đất không chỉ tạo nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà phải kết hợp chặt chẽ để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để phát triển đất nước. Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch của tài nguyên đặc biệt (đất đai) phải đi trước một bước làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) - Ảnh 3.

UBTV Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tại phiên họp thứ 4

(2) Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt, do đó quá trình hoàn thiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần rà soát, đối chiếu, trao đổi để hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Thống nhất tầm nhìn của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là đến năm 2050 theo đúng quy định của Luật Quy hoạch, đề nghị làm rõ hơn tầm nhìn đến năm 2050;

(3) Gắn phát triển đô thị với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể hơn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vấn đề liên kết vùng, liên kết tỉnh, nhất là việc kết nối giao thông, đô thị, công nghiệp dịch vụ các tỉnh ven biển trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

(4) Đảm bảo số lượng, chất lượng chỉ tiêu đất trồng lúa nhằm thực hiện kết luận Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; bảo đảm quy hoạch và phát triển rừng hiệu quả, gắn trồng rừng, phát triển kinh tế rừng với bảo vệ môi trường; rà soát lại chỉ tiêu đất khu công nghiệp gắn với nhu cầu và khả năng phát triển để khắc phục hạn chế tỷ lệ lấp đầy thấp; rà soát, tách bạch rõ giữa đất văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo với đất thương mại, dịch vụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước