TRỰC TIẾP Quốc hội thảo luận về các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 29/03/2021 06:04 GMT+7

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Phiên thảo luận ngày 29/3 của Quốc hội về các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, ngày 29/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội sẽ tổ chức mặc niệm đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

Buổi chiều, trao tặng kỷ niệm chương hoạt động của Quốc hội.

Phiên họp được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 ngày 29/3.

Theo Báo cáo tóm tắt công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày vào sáng 24/3, trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn và các nhiệm vụ được phân công.

TRỰC TIẾP Quốc hội thảo luận về các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.

Trong báo cáo cũng thể hiện rõ những kết quả về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực lập pháp, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 02 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua cũng như góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của bộ máy hành pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm, trong đó đặc biệt coi trọng kinh nghiệm tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội; luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; nhân dân là trung tâm; trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chính phủ.

Theo Thủ tướng, đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt. Cạnh tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Song với tinh thần "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", Thủ tướng nhấn mạnh 5 năm qua chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

TRỰC TIẾP Quốc hội thảo luận về các báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ - Ảnh 2.

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua.

Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

"Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu: Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng khẳng định dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045.

'Của để dành' và 5 cân đối hài hoà "Của để dành" và 5 cân đối hài hoà

VTV.vn - Thủ tướng nhấn mạnh 5 năm qua chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước